Luật Bạch Long đưa ra tư vấn về vấn đề Chế độ tài sản trước, trong và sau hôn nhân và những lưu ý thường gặp.
- Cơ sở pháp lý:
Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư tư vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
– Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/06/2014;
– Nghị định số 126/2014/NĐ-CP về tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Luật sư tư vấn:
2.1. Thỏa thuận chế độ tài sản tiền hôn nhân
– Chỉ được lập và công nhận khi 2 người chưa đăng ký kết hôn, lưu ý chưa đăng ký kết hôn nghĩa là 2 người chưa ra UBND xã, phường để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
– Hai người cùng đoàn kết, đồng thuận, và quyết định lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận
– Được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
– Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Về việc yêu cầu chia tài sản: Tài sản chung vợ chồng có thể được chia ngay trong thời kỳ hôn nhân, khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn mà khi giải quyết ly hôn mà các bên chưa phân chia về tài sản.
2.2. Chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân
Cách chứng minh tài sản riêng
Để có thể chứng minh tài sản riêng khi ly hôn, chúng ta phải có bằng chứng chứng minh tài sản đó thuộc các trường hợp là tài sản tiêng theo quy định của Luật hôn nhân gia đình:
– Đối với tài sản có trước khi kết hôn: có thể là hợp đồng mua bán tài sản, các hóa đơn chứng từ chứng minh việc mua bán chuyển nhượng, giấy chứng nhận quyền sở hữu…
– Đối với tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng: cách chứng minh tài sản riêng là cung cấp các văn bản chứng minh quyền thừa kế hợp pháp, hợp đồng tặng cho và giấy tờ chứng minh hoàn tất việc tặng cho….
– Đối với tài sản được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân thì phải nộp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung được công chứng theo quy định của pháp luật.
– Tài sản phục vụ nhu cầu cấp thiết của vợ chồng như các đồ dùng, tư trang cá nhân…
Đồng thời theo qui định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:
– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo qui định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ chồng nhận được theo qui định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Theo Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng
– Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật Hôn nhân gia đình 2014;
– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
2.3. Chế độ Tài sản khi ly hôn:
Trong vấn đề chia tài sản khi ly hôn nếu bên có tài sản không chứng minh được đó là tài sản riêng thì đương nhiên sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Về nguyên tắc chung chia tài sản khi ly hôn thì tài sản chung sẽ được chia đôi nhưng khi giải quyết trong những trường hợp cụ thể tòa sẽ xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này…
Theo Thông tư liên tịch 01/2016 giữa TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tư pháp, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận về toàn bộ vấn đề, bao gồm phân chia tài sản.
Trường hợp nhờ tòa án phân xử thì HĐXX sẽ tính đến một số yếu tố để xác định tỷ lệ tài sản của mỗi người. Thẩm phán dựa vào lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ nhân thân, tài sản dẫn đến ly hôn để ra phán quyết. Ví dụ, nếu người chồng có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình thì tòa án xem xét yếu tố “lỗi” này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp
Luật sư Long Xuân Thi
+84 – 975866929
Email: Luatbachlong@gmail.com