
This is the image description
Khi hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc nhu cầu kinh doanh, sản xuất đối với doanh nghiệp không còn thì việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đó về mặt thực tiễn và cả pháp lý là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc khai sinh ra doanh nghiệp nhiều khi được đánh giá là đơn giản, dễ dàng hơn việc khai tử cho doanh nghiệp của bạn. Bởi lẽ, doanh nghiệp giải thể không chỉ liên quan đến nội bộ công ty mà còn liên quan đến các đối tác khác của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Luật Bạch Long xin cung cấp các bước thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định như sau:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 70 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc giải thể các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp:
“Điều 70. Đăng ký giải thể doanh nghiệp đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp
…
4. Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
…”
Trình tự giải thể doanh nghiệp theo quy định tại Điều 208 Luật doanh nghiệp năm 2020 gồm:
Bước 1: Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp về các vấn đề của doanh nghiệp (lý do giải thể, phương án xử lý nợ, thanh lý hợp đồng..).
Bước 2: Thông báo quyết định giải thể tới các cơ quan Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
Bước 3: Thanh lý tài sản của doanh nghiệp và hoàn thiện hồ sơ giải thể công ty.
Danh mục hồ sơ giải thể công ty
Khi giải thể doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tại ít nhất là 3 cơ quan bao gồm:
– Cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động mã số thuế;
– Sở KHĐT nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để thông báo giải thể và hoàn thiện thủ tục giải thể;
Xin xác nhận không nợ thuế hải quan
Theo quy định cũ, doanh nghiệp phải xác nhận không nợ thuế hải quan trước khi làm hồ sơ đóng mã số thuế. Tuy nhiên, hiện nay việc xác nhận này thực hiện nội bộ giữa cơ quan thuế và Hải quan do vậy doanh nghiệp không cần làm bước này từ năm 2021.
Thủ tục thông báo quyết định giải thể
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp thông báo lần 1 tới sở KHĐT để đăng bố cáo giải thể gồm các hồ sơ sau:
– Biên bản họp, quyết định về việc giải thể;
– Thông báo về việc giải thể sử dụng mẫu thông báo giải thể tại thông tư 02/2019/TT-BKHĐT;
– Văn bản ủy quyền hoặc hợp đồng dịch vụ làm thủ tục;
Sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của cơ quan thuế, đồng thời ra Thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.
Thủ tục tục giải thể tại cơ quan thuế
Đồng thời với thủ tục thông báo giải thể tới Sở KHĐT doanh nghiệp làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế tại cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gồm:
– Quyết định giải thể của doanh nghiệp;
– Thông báo giải thể doanh nghiệp;
– Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT theo mẫu tại thông tư 105/2020/TT-BTC;
Thủ tục giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
Hồ sơ giải thể hoàn chỉnh được nộp tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở được quy định tại Điều 210 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau:
– Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
– Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định trên phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!