Người dưới 18 tuổi được coi là đối tượng đặc biệt trong tố tụng hình sự. Người phạm tội dưới 18 tuổi thường là nạn nhân của môi trường thiếu sự chăm sóc, giáo dục; nạn nhân của sự nghèo đói, sự thiếu cơ hội được học hành; nạn nhân của sự thiếu hiểu biết pháp luật; nạn nhân của sự lạm dụng trẻ em để thực hiện các hành vi phi pháp. Hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi, phần lớn là nằm ngoài ý muốn chủ quan của họ. Trong nhiều trường hợp, các hành vi này bị chi phối bởi sự thôi thúc của xung năng, của bạn bè, của sự thất vọng, sự tức giận, chống đối, mặc cảm, của sự bồng bột… Chính vì vậy, việc bảo đảm quyền của nhóm người này trong tố tụng hình sự luôn là vấn đề lưu tâm đối với các nhà làm luật và các cơ quan tiến hành tố tụng.
I. Những vấn đề lý luận về quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
1. Khái niệm quyền bào chữa
Quyền bào chữa là một chế định quan trọng trong BLTTHS, tuy nhiên hiện nay trong pháp luật tố tụng hình sự vẫn chưa có khái niệm chính xác. Quyền bào chữa là một quyền lợi đặc thù, cơ bản của công dân, là nguyên tắc hiến định được tất cả các bản Hiến pháp nước Việt Nam ghi nhận.
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013: “Người bị bắt, tạm giữu, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” và quy định tại điều 16 BLTTHS năm 2015: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa”, thì có thể đưa ra khái niệm về quyền bào chữa như sau:
Quyền bào chữa của người bị buộc tội trong tổ tụng hình sự là tổng hợp các quyền mà pháp luật quy định, cho phép người bào chữa sử dụng để bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc làm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự.
2. Khái niệm người dưới 18 tuổi phạm tội
Người dưới 18 tuổi phạm tội là người thực hiện hành vi phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với loại tội phạm và lỗi gây ra tội phạm, người đó thực tế phải chịu trách nhiệm hình sự khi cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc tính cần thiết phải xử lý bằng hình sự mà không áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp khác để quản lý, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
3. Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự Việt Nam là tổng thể những hành vi tố tụng mà pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cho phép người đã bị khởi tố về hình sự và người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử là người dưới 18 tuổi có thể sử dụng nhằm bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc làm sáng tỏ tình tiết về sự vô tội của mình.
Đọc thêm:
Đối tượng không thi hành án tử theo quy định của pháp luật
Xử lý hành vi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi
Kết hôn với nữ 17 tuổi có vi phạm pháp luật không ?
II. Các yếu tố bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự
1. Bảo đảm về mặt pháp lý
a. Về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 422 BLTTHS năm 2015 quy định như sau:
“1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội”.
Đây là một quy định nhân văn, phù hợp đặc điểm về lứa tuổi, tâm sinh lý và sự phát triển về thể chất của người dưới 18 tuổi. BLTTHS năm 2015 đã trực tiếp thể hiện, thực hiện quyền này. Ngoài các quyền năng riêng biệt, người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cũng được hưởng các quyền giống như người thành niên để có thể tự bào chữa cho mình một cách tốt nhất, như quyền được nghe, được biết lý do mình bị bắt, được biết lý do mình bị khởi tố…
b. Về quyền được bào chữa chỉ định
Tại Điều 76 BLTTHS năm 2015 quy định:
“1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
… b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
…b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý…”.
Điều 76 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng diện người bào chữa gồm cả trợ giúp viên pháp lý để bào chữa cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, đây là quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi mà còn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn hiện nay khi đa phần trợ giúp pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc tiếp cận và bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội.
BLTTHS năm 2015 quy định người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi; phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại điện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt.
BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Quy định này giúp cho việc tham gia bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội nói chung và người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi nói riêng được sớm hơn.
Về vấn đề quyền bào chữa của người chưa thành niên, Điều 305 BLTTHS năm 2003 mới chỉ quy định một cách khái quát: “Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. Đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về vấn đề bào chữa của người dưới 18 tuổi (Bộ luật năm 2015 đã thay cụm từ người chưa thành niên bằng cụm từ người dưới 18 tuổi).
Điểm đáng chú ý là, Điều 422 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định khẳng định quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi: “Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. Ngoài ra, Điều luật đã bỏ cụm từ mang tính chất tùy ghi “có thể” và thay vào đó là cụm từ “có quyền”: Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn cơ chế thực hiện quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi bị buộc tội sẽ đảm bảo sự chặt chẽ, cụ thể về trình tự, thủ tục bào chữa, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp của họ khi tham gia tố tụng.
2. Bảo đảm về tổ chức
a. Trách nhiệm của cơ quan điều tra
Trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra chủ yếu thuộc về cơ quan điều tra. Để bảo đảm quyền bào chữa, cơ quan điều tra phải tạo những điều kiện cho bị can tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác thực hiện quyền bào chữa, đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi.
b. Trách nhiệm của cơ quan Viện kiểm sát
Viện kiểm sát phải tạo những khả năng thực tế, những điều kiện cần thiết và những biện pháp do pháp luật quy định để người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có thể hưởng những quyền mà pháp luật quy định cho họ; đồng thời tạo điều kiện cho người bào chữa có thể tham gia tích cực vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể đặc biệt này.
Thêm vào đó, bằng chức năng, hoạt động của mình, Viện kiểm sát phải ngăn ngừa, hạn chế và xử lý kịp thời các hành vi gây cản trở hoặc xâm hại đến quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. Trách nhiệm của Viện kiểm sát thể hiện qua các hoạt động của kiểm sát viên.
Nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi được thể hiện ở những hoạt động sau: kiểm sát việc khởi tố, điều tra và áp dụng các biện pháp ngăn chặn của các cơ quan tiến hành tố tụng; đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong giai đoạn hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát và giai đoạn xét xử.
c. Trách nhiệm của cơ quan Tòa án
Tòa án có nghĩa vụ phải bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi theo những nội dung sau: Tòa án có nghĩa vụ giải thích cho bị cáo các quyền và nghĩa vụ của họ; Tòa án bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Hoạt động tranh tụng trong TTHS là một quy định mang tính dân chủ; Tòa án đảm bảo cho bị cáo đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; Tòa án bảo đảm cho bị cáo nói lời sau cùng.
Vì vậy, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan THTT phải chú trọng thực hiện hai nhiệm vụ: bảo vệ sự thật, bảo vệ pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. Chính các biện pháp bảo đảm sẽ tạo điều kiện cho cơ quan THTT, người THTT, người tham gia tố tụng phát huy được năng lực trí tuệ của mình, làm cho hoạt động tố tụng thực sự khách quan, công bằng trên cơ sở tôn trọng các quyền cơ bản của người dưới 18 tuổi.
Xuất phát từ những đặc điểm tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi, nếu đội ngũ những người THTT là những người có kiến thức chuyên môn về tâm sinh lý lứa tuổi thì sẽ dễ dàng trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dưới 18 tuổi, qua đó giúp người phạm tội dưới 18 tuổi nhận thức được lỗi lầm, tự giác sửa chữa lỗi lầm để trở lại thành công dân tốt.
3. Bảo đảm về mặt nhận thức
Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không thể thực hiện được một cách triệt để hiệu quả, khi mà cơ quan THTT, người THTT, người tham gia tố tụng cũng như các cơ quan nhà nước khác, tổ chức xã hội và mọi công dân không nhận thức đúng nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của nó.
Trên đây là quan điểm của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.