Việt Nam đã và đang từng bước trên con đường Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa Đất Nước gắn liền với định hướng xây dựng một nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa bền vững và ổn định. Không ngừng mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới nhằm mục đích hòa bình, hữu nghị cùng phát triển trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong xu thế hội nhập đó, vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành mục tiêu ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới đặc biệt có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và bền vững của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức phức tạp đòi hỏi phải được giải quyết bằng cách phối hợp nhiều biện pháp khác nhau. Một trong những công cụ kinh tế hiệu quả được nhiều nước trên thế giới sử dụng đó là ban hành thuế môi trường nhằm mục đích bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái. Tình trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là một thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong bài viết này Luật Bạch Long sẽ gửi tới quý vị bài viết về vấn đề “So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới”, bài viết sẽ chia thành 03 phần để quý vị dễ theo dõi.
ĐỌC THÊM:
So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới (p1)
So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới (p3)
so sánh RCEP và ATIGA về thuế quan

Ảnh minh hoạ
2, Mục đích của thuế môi trường.
Trên cơ sở tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của người gây ô nhiễm, việc sử dụng công cụ này sẽ làm thay đổi hành vi của họ theo hướng có lợi cho môi trường, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò quan trọng của thuế môi trường thì việc mỗi nhà nước ban hành thuế môi trường với mục đích sau:
Trước hết, làm cho con người hạn chế sử dụng các sản phẩm tác động xấu đến môi trường; dần dần chuyển sang sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, ít tác động xấu đến môi trường hơn, định hướng nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường.
Thứ hai, làm con người thay đổi thái độ đối với môi trường sống, chú trọng khai thác tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tự giác thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ ba, làm cho các nhà sản xuất thường xuyên cải tiến đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm. Nếu đánh thuế môi trường mà giá nhiên liệu tăng thì điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người dẫn tới việc ra đời của các công nghệ chu trình và sản phẩm mới.
Thứ tư, thuế môi trường có mục đích giúp đạt hiệu quả bảo vệ môi trường nhanh hơn so với công cụ pháp lý. Hay nói cách khác, thông qua việc tác động vào lợi ích kinh tế của các chủ thể trong quan hệ quản lý môi trường nên việc sử dụng thuế môi trường sẽ đảm bảo các chủ thể này thực thi pháp luật hiệu quả hơn.
Thứ năm, tạo nguồn lực tài chính cần thiết, tăng thu cho ngân sách nhà nước để quản lý và bảo vệ môi trường. Thuế môi trường huy động nguồn lực tài chính cho ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu chi tiêu của nhà nước trong đó có nhu cầu chi tiêu cho hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển tốt và bền vững hơn, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
II, So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thuế bảo vệ môi trường ở một số nước trên thế giới.
1, Một số quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
1.1. Về đối tượng chịu thuế.
Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định có 08 nhóm thuộc đối tượng chịu thuế, bao gồm:
Thứ nhất, xăng, dầu, mỡ nhờn: Đây là các sản phẩm có chứa một số chất hoá học như chì, lưu huỳnh…ngay cả khi chưa sử dụng.các chất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Việc đưa các sản phẩm xăng dầu vào đối tượng chịu thuế nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Thứ hai, than đá: Than đá được sử dụng cho mục đích đốt cháy sẽ thải ra môi trường các loại khí như CO2, SO2 là các khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và môi trường. Phạm vi sử dụng than cũng rộng khắp nên việc đưa than đá vào đối tượng chịu thuế cũng nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hoá thạch, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Thứ ba, dung dịch HCFC: Đây là chất được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: làm lạnh, điều hoà không khí…. Sự phát thải chất HCFC vào khí quyển, làm ô nhiễm bầu không khí và là nguyên nhân chính gây suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính. Việt Nam đã tham gia ký kết Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Theo đó, các nước đang phát triển (trong đó có nước ta) sẽ phải loại trừ hoàn toàn việc sử dụng HCFC vào năm 2030. Việc đưa chất HCFC vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần vào việc thực hiện cam kết Nghị định thư Montreal ở Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp giảm dần sử dụng HCFC bằng việc chuyển đổi công nghệ sản xuất.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu dung dịch HCFC thì phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường. Trên thực tế, dung dịch HCFC còn tồn tại dưới dạng chất hỗn hợp có chứa HCFC (như chất Polyol có trộn sẵn chất HCFC-141, được sử dụng để sản xuất tấm cách nhiệt; tỷ lệ HCFC có trong Polyol trộn sẵn HCFC-141b chiếm khoảng từ 13% đến 30%), nhưng Luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC có thuộc đối tượng chịu thuế hay không. Mặc dù, Bộ Tài chính đã có công văn số 12128/BTC-CST ngày 01/9/2015 hướng dẫn thu thuế bảo vệ môi trường đối với dung dịch HCFC dưới dạng chất hỗn hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ về thu thuế bảo vệ môi trường đối với dung dịch này dưới dạng chất hỗn hợp, tránh vướng mắc trong thực hiện thì cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định này tại Luật thuế bảo vệ môi trường.
Thứ tư, túi ni lông thuộc diện chịu thuế: Luật thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều 2 như sau: “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kĩ thuật là túi nhựa xốp”. Đây là sản phẩm phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy (có thể tới hàng trăm năm) hoặc không thể tự phân hủy được. Túi nhựa xốp thải bỏ sau khi sử dụng sẽ tích tụ trong đất gây suy thoái môi trường đất. Khi bị phân hủy thì còn sinh ra các chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng. Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới đã thu thuế đối với các sản phẩm nhựa như: Anh, Ailen, Đài Loan…; một số nước khác cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa trong các thành phố lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc). Việc đưa túi nhựa xốp vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi nhựa xốp, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, định nghĩa về túi ni lông thuộc diện chịu thuế như trên còn chung chung mặc dù đã được hướng dẫn cụ thể hơn tại Nghị định số 67/2011/NĐ-CP và Nghị định số 69/2012/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó đã hướng dẫn cụ thể cách hiểu về túi ni lông thuộc diện chịu thuế và bao bì đóng gói sẵn hàng hóa nhưng vẫn chưa đưa ra quy định liên quan đến việc nhận diện hình dạng túi ni lông (túi, bao bì) hoặc thế nào là túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lí khi tính thuế. Chính vì vậy, pháp luật cần bổ sung quy định về vấn đề này.
Thứ năm, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng
Thứ sáu, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng
Thứ bảy, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng
Thứ tám, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng
Các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp từ các chất hóa học được dùng để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và bảo quản nông sản. Hành vi sử dụng không đúng cách và liều lượng gây tác hại tới môi trường theo nhiều cách như các hoá chất lơ lửng trong không khí khi phun thuốc hay tồn tại trong các loại thực phẩm, trong nước, đất… Bởi hiện nay, việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm do giá của nhiều loại sản phẩm còn tương đối rẻ so với giá nông sản. Việc đưa các sản phẩm trên thuộc nhóm hạn chế sử dụng vào đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng, khuyến khích họ thay đổi thói quen sử dụng lạm dụng, giảm thiểu những tác hại xấu của hoá chất bảo vệ thực vật đối với môi trường.
Có thể thấy rằng, tám nhóm đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là những hàng hóa thiết yếu, có tác động trên diện rộng trong đời sống. Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều hàng hóa, sản phẩm mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa được đưa vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, cần nghiên cứu việc một số dịch vụ cũng là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; và bổ sung thêm một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường khác vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo lộ trình phù hợp trên cơ sở đáp ứng các nguyên tắc sau: phải là những hàng hoá sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và với thông lệ quốc tế; đảm bảo tính khả thi, có tính đến sự hài hoà với phát triển kinh tế, không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu.
Trên đây là những ý kiến của Luật Bạch Long về vấn đề “So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới”, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!