Công tác khám nghiệm hiện trường được bắt đầu ngay sau khi có vụ việc xảy ra là một trong những công tác quan trọng trong quá trình giải quyết án hình sự, nó là tiền đề để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Công ty Luật TNHH Bạch Long sẽ đưa ra một số quy định đối với vấn đề nêu trên như sau:
- Khái niệm khám nghiệm hiện trường
Hiện trường được hiểu là nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự.
Hiện trường là một khoảng không gian nhất định, không gian này có thể là nơi xảy ra hoặc nơi phát hiện ra các dấu vết, vật chứng của vụ án hoặc vụ việc có tính hình sự. Nơi phát hiện có thể trùng với nơi xảy ra hoặc không.
Hiện tượng vật chất xảy ra tại hiện trường là vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự. Vụ việc có tính hình sự là những vụ việc xâm hại đến khách thể do luật hình sự bảo vệ nhưng do chưa đủ thông tin nên chưa xác định được các yếu tố cấu thành tội phạm.
Khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự đã xảy ra. Khám nghiệm hiện trường là một biện pháp điều tra tố tụng và thẩm quyền, thủ tục, nội dung của nó được quy định trong Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Khi tiến hành biện pháp điều tra này, cần áp dụng các phương tiện kỹ thuật hình sự phù hợp để phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá các loại dấu vết vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự để lại tại hiện trường.
- Các phương pháp khám nghiệm hiện trường
Có 5 phương pháp khám nghiệm hiện trường:
Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo khu vực (phương pháp chia ô). Phương pháp này được áp dụng khi khám nghiệm các loại hiện trường có phạm vi rộng lớn nhưng được phân chia tự nhiên thành những khu vực độc lập với nhau hoặc những hiện trường có cấu trúc phức tạp.
Phương pháp khám nghiệm dựa vào phương thức gây án đã nhận định. Áp dụng khi trên hiện trường qua dấu vết, vật chứng để lại đã xác định được lối vào, lối ra của thủ phạm và quá trình hoạt động của chúng ở hiện trường.
Phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trung tâm hoặc từ trung tâm ra ngoài. Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo hình xoáy ốc từ trung tâm ra ngoài được áp dụng khi đã xác định được trung tâm của hiện trường, tức là nơi tập trung nhiều dấu vết, vật chứng (nơi có xác chết, nơi bắt đầu cháy, nổ,…).
Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trung tâm được tiến hành ngược lại với phương pháp trên.
Phương pháp khám nghiệm theo cách cuốn chiếu. Phương pháp này được áp dụng để khám nghiệm những hiện trường tương đối bằng phẳng, có chiều ngang nhỏ.
Phương pháp khám nghiệm theo đường song song. Áp dụng khi hiện trường có địa hình rộng, tương đối bằng phẳng (hiện trường các vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ, khẩu hiệu, truyền đơn phản động,…).
- Những tồn tại, thiếu sót trong công tác khám nghiệm hiện trường
Một số vụ tai nạn giao thông xảy ra chưa chết người, thì chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông tham gia khám nghiệm, nhưng về sau nạn nhân chết, cơ quan điều tra vào cuộc khám nghiệm hiện trường lại, có thông báo Viện kiểm sát tham gia. Do đó ảnh hưởng đến tính khách quan trong đánh giá lỗi của vụ việc tai nạn giao thông xảy ra. Một số vụ việc cố ý gây thương tích xảy ra, do xác định ban đầu là sự việc đơn giản, hậu quả xảy ra không lớn, nên người dân không báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng, đến khi có dấu hiệu thương tích nặng, hay có nguy cơ chết người hoặc thỏa thuận không thành thì sự việc mới được báo, khi đó công tác khám nghiệm hiện trường thường gặp khó khăn do hiện trường bị xáo trộn, dấu vết để lại hiện trường không còn nguyên vẹn, hay vật chứng bị thất lạc.
Một số vụ việc trộm cắp xảy ra, không bị phát hiện quả tang, hay không có nhân chứng trong thấy, việc khám nghiệm hiện trường thu thập chứng cứ, đặc biệt là thu giữ dấu vết vân tay của đối tượng để lại hiện trường thường gặp nhiều khó khăn, nên có một số vụ việc xảy ra đã khởi tố vụ án hình sự nhưng không xác định được bị can nên vụ án bị tạm đình chỉ.
- Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, thiếu sót trong công tác khám nghiệm hiện trường.
Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, cán bộ làm công tác khám nghiệm hiện trường còn thiếu về lực lượng và yếu về trình độ chuyên môn, đặc biệt đội ngũ cán bộ kỹ thuật hình sự cấp huyện, thị. Thậm chí, nhiều huyện, thị không có đội ngũ cán bộ kỹ thuật hình sự hoặc có nhưng họ là cán bộ điều tra kiêm nhiệm, ít được đào tạo chuyên môn.
Thứ hai, do thái độ nhận thức của lãnh đạo, điều tra viên cũng như kỹ thuật viên hình sự chưa đầy đủ trong việc xác đinh vị trí, vai trò của công tác kỹ thuật hình sựnói chung và công tác khám nghiệm hiện trường nói riêng nên họ chỉ coi đây là biện pháp hỗ trợ hơn là biện pháp điều tra tố tụng hình sự mặc dù hoạt động khám nghiệm hiện trường đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định riêng tại Điều 150. Hơn nữa,
việc kiểm tra của lãnh đạo về các yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ trong hoạt động của cấp dưới chưa đầy đủ dẫn tới sự tùy tiện và mang nặng hình thức trong hoạt động của lực lượng khám nghiệm hiện trường.
Nguyên nhân khách quan:
Thứ nhất, phương tiện kỹ thuật hình sự còn thiếu và thô sơ, hầu hết có thời gian sử dụng đã lâu nên không còn đáp ứng yêu cầu.
Thứ hai, chính sách đãi ngộ cũng là một nguyên nhân dẫn đến những hạn chế. Tại hầu hết các tỉnh, thành của cả nước, chế độ chính sách đãi ngộ về trách nhiệm và độchại cho lược lượng kỹ thuật viên hình sự chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến một số cán bộ thiếu nhiệt tình công tác, không phát huy được năng lực vốn có, một số không chịu học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tìm cách chuyển vị trí công tác.
Thứ ba, khám nghiệm hiện trường là một hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng trong thực tế vị trí pháp lý, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ chuyện trách về kỹ thuật hình sự chưa được xác định rõ. Điều này ảnh hưởng tới thái độ cũng như nhiệt tình làm việc của các kỹ thuật viên. Ngoài ra, các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự về khám nghiệm hiện trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
- Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường trong các vụ án hình sự
Thông qua việc phân tích những nguyên nhân dẫn tói thiếu sót trong công táckhám nghiệm hiện trường, sau khi tham khảo, em xin được phép đưa ra một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật BLTTHS hiện hành về khám nghiệm hiện trường và kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Pháp luật điều chỉnh mọi lĩnh vực, hoạt động trong đời sống xã hội. Riêng đối với hoạt động khám nghiệm hiện trường, những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là hết sức quan trọng. Trong đó, tư cách pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các lực lượng tham gia vào công tác khám nghiệm hiện trường cần được quy định rõ ràng cụ thể, từ đó thúc đẩy công tác này theo một quy trình nhất định. Công tác điều tra hình sự nói chung và trong lĩnh vực khám nghiệm hiện trường nói riêng, Bộ luật TTHS giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Việc quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các lực lượng tham gia vào công tác này là cần thiết, điều này sẽ thúc đẩy công tác khám nghiệm hiện trường hoạt động theo một quy trình nhất định. Do đó, Bộ Luật TTHS cần quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò cũng như mối quan hệ giữa lực lượng kỹ thuật viên khám nghiệm, lực lượng điều tra và các thành phần khách tham gia khám nghiệm hiện trường. Đồng thời là sự phối hợp chặt chẽ, liên hệ mật thiết trong quá trình thực hiện hoạt động khám nghiệm hiện trường giữa các cơ quan, đơn vị cần được quy định cụ thể hơn trong các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực của điều tra viên và kỹ thuật viên khám nghiệm hiện trường. Đầu tiên là tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực cho công tác khám nghiệm hiện trường. Lãnh đạo Công an các địa phương cần đào tạo ít nhất là 02 đến 03 đồng chí có kiến thức chuyên môn sâu về công tác khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ để làm chuyên trách về công tác này. Các kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, khả năng thụ cảm, tư duy của cán bộ điều tra, cán bộ khám nghiệm. Từ đó, ta có biện pháp như sau: có kế hoạch thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về công tác khám nghiệm hiện trường cho đội ngũ kỹ thuật viên hiện đang công tác. Cần tiến hành kiểm tra chuyên môn để từ đó có phương hướng bồi dưỡng và hướng dẫn cho lực lượng làm công tác khám nghiệm hiện trường. Bên cạnh đó, lực lượng này cần thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, thảo luận về khám nghiệm hiện trường các vụ điển hình.
Những cán bộ bị điều chuyển làm những công việc không đúng chuyên môn cần được chuyển về đúng vị trí công tác của họ. Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp cho các cán bộ đó nhằm tạo động lực cho họ phát triển năng lực bản thân cũng như cố gắng, tích cực trong khám nghiệm hiện trường để nhận được những khen thưởng phù hợp. Cần quan tâm chế độ bồi dưỡng cho những Kiểm sát viên khi tham gia kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường để động viên, khích lệ cán bộ hoàn thành tốt công việc được giao. Thứ ba, bổ sung, cung cấp kịp thời các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng khám nghiệm cho can bộ khám ngiệm hiện trường các cấp. Thiếu bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng là một yếu tố quan trọng trong việc tìm kiếm những dấu vết hình sự, thu thập chứng cứ. Vì vậy mà việc quan tâm đến các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật này là một biện pháp rất cần thiết để nâng cao hiệu quả khám nghiệm hiện trường.
Đầu tiên, nhanh chóng trang bị những phương tiện cần thiết cho công tác khám nghiệm hiện trường. Song song với việc bổ sung thiết bị cần tính đến việc đào tạo cán bộ sử dụng. Tiến hành nối mạng thông tin nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho việc phối hợp hoạt động của các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường nói riêng và các hoạt động điều tra khác. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu vấn đề thiết lập cơ sở dữ liệu tội phạm. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ phận liên quan như phòng hậu cần, Viện Khoa học hình sự… trong các vấn đề về công nghệ và kinh phí cho việc trang bị các phương tiễn kỹ thuật cần thiết.
Đọc thêm:
Quy định của pháp luật về tội không tố giác tội phạm;
Miễn chấp hành án phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự;
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long về một số quy định pháp luật đối với vấn đề nêu trên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!