Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định pháp lý của bồi thường dân sự, trong lịch sử pháp luật việc bồi thường dân sự thường được giải quyết bằng phạm trù đạo đức, khi xã hội chưa có nhà nước, chưa có pháp luật vấn đề bồi thường dân sự được giải quyết theo phong tục tập quán của từng bộ tộc người hoặc của từng nhóm người. Khi xã hội phát triển nhà nước và pháp luật ra đời, bồi thường dân sự nói chung và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng được điều chỉnh bởi quan hệ pháp luật dân sự, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của bộ luật dân sự thường hết sức đa dạng phức tạp, khó giải quyết, khó xác định các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật này. Trong bài viết này Luật Bạch Long sẽ gửi tới quý vị bài viết về vấn đề “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
ĐỌC THÊM:
Công chứng hợp đồng mua bán đất sau khi bên bán đã chết, có vi phạm?(Mở trong cửa số mới)
Các trường hợp được cấp đất tái định cư
Có được tiêu tiền mình nhặt được không?

Ảnh minh họa
I. Khái quát chung về thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
1. Khái niệm.
Thiệt hại là tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự,nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà khi người nào đó có hành vi vi phạm nghĩa vụ ngoài hợp đồng do pháp luật quy định, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Nếu trách nhiệm BTTH theo hợp đồng bao giờ cũng được phát sinh trên cơ sở một hợp đồng có trước thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định đối với người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định chủ yếu về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng đối với hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của các cá nhân và tổ chức khác.
2. Điều kiện phát sinh.
a, Phải có thiệt hại xảy ra.
Vì rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi được áp dụng là nhằm khôi phục lại tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại nên thiệt hại là yếu tố không thể thiếu được trong việc áp dụng trách nhiệm này. Chỉ phải bồi thường khi có thiệt hại xảy ra và phải biết được thiệt hại bao nhiêu mới có thể quyết định người gây ra thiệt hại phải bồi thường bao nhiêu cho nên đây là yếu tố đầu tiên.
Có thể chia thiệt hại thành hai loại là:
– Thiệt hại trực tiếp: Là những thiệt hại đã xảy ra một cách khách quan, thực tế và có cơ sở chắc chắn để xác định, bao gồm mất mát, hư hỏng về tài sản, các chi phí cho việc ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Thiệt hại trực tiếp là hệ quả của hành vi xâm hại
– Thiệt hại gián tiếp: là những thiệt hại mà phải dựa trên sự suy đoán khoa học mới có thể xác định được thiệt hại. Thiệt hại này được còn được gọi là thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất.
b, Hành vi gây thiệt hại trái pháp luật.
Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là những hành vi xâm hại tới tài sản, sức khỏe, danh dự , nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Hình thức thì thường dưới dạng hành động, nhưng khi hành vi xâm hại những yếu tố trên được thực hiện phù hợp với pháp luật thì lại không phải chịu trách nhiệm bồi thường như phòng vệ chính đáng,…
c, Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Mối quan hệ nhân quả luôn đóng vai trò là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của nhiều sự vật và hiện tượng, cho nên xác định người bị bồi thường thiệt hại phải dựa vào mối quan hệ biện chứng này. Khi có hành vi trái pháp luật thì phải có thiệt hại xảy ra và ngược lại.
d, Lỗi của người gây ra thiệt hại.
Về nguyên tắc, một người bị áp dụng chế tài pháp lý thì họ phải có hành vi vi phạm pháp luật do lỗi cố ý hoặc vô ý. Nhưng quan hệ pháp luật dân sự thì ngoại lệ có trường hợp không có hành vi vi phạm pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự.
Sẽ có lỗi vô ý và cố ý nhưng chung quy lại đây vẫn là một điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng lỗi trong trách nhiệm dân sự có những trường hợp là lỗi suy đoán dạng như: hành vi trái pháp luật là phạm pháp nên người thực hiện nó cũng cũng bị suy đoán là có lỗi. Pháp nhân sẽ phải bồi thường cho người thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân gây ra.
II. Thực tiễn cách xác định thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1. Cách xác định thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
a, Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.
Căn cứ theo Điều 589 BLDS 2015 thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm “1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc hư hỏng; 2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.; 3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế khắc phục thiệt hại.”
Về tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc hư hỏng thì nguyên tắc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ giá trị của những tài sản bị mất, bị huỷ hoại. Nếu không thoả thuận được mức thiệt hại và bồi thường thì phải căn cứ vào tình trạng của tài sản trước khi bị mất, bị huỷ hoại, hư hỏng. Nếu tài sản vẫn còn mới, chức năng sử dụng chưa bị suy giảm đáng kể thì thiệt hại sẽ được định là toàn bộ giá trị của vật và tính tương đương với giá hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trên thị trường tại nơi xảy ra thiệt hại và thời điểm xét xử sơ thẩm. Còn với tài sản qua thời gian sử dụng đã khấu hao đáng kể thì thiệt hại xác định là giá trị còn lại của vật sau khi bị khấu hao và từ đó định khoản tiền theo thời giá thị trường vào thời điểm xét xử sơ thẩm lần đầu. Như vậy trong trường hợp không thể bồi thường bằng hiện vật thì có thể xác định giá thị trường của tài sản đó ở tình trạng mới và nhân với phần trăm của chất lượng còn lại tại thời điểm bị thiệt hại. Về tài sản bị hư hỏng thì sẽ tính toán thiệt hại theo mức chênh lệch về giá trị của tài sản trước và sau khi bị thiệt hại.
Về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản. Đây là khoản thiệt hại do phần hoa lợi, lợi tức đáng lẽ chắc chắn thu được từ tài sản nhưng đã bị mất do tài sản bị xâm hại. Khi xác định khoản hoa lợi không thu nhập được do cây ăn quả, hoa màu bị xâm hại cần xác định theo mức thu nhập bình quân của loại cây ăn quả, hoa màu trong vụ thu hoạch đó, phải lấy mức thu hoạch thấp nhất cộng với mức thu hoạch cao nhất của cùng một loại diện tích và chia đôi để tính phần hoa lợi không thu nhập được. Nếu tài sản bị xâm hại là gia súc thì hoa lợi mất chính là súc vật do con súc vật sinh ra và khoản thiệt hại này chính là khoản tiền tính theo giá của súc vật con vào thời điểm giải quyết vụ tranh chấp đó. Khi xác định khoản lợi tức không thu nhập được do tài sản là các đồ vật bị xâm hại phải dựa trên nguồn thu thực có đối với việc khai thác tài sản đó.
Về Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại thì việc xác định sẽ xác định thiệt hại sẽ không lớn hơn với giá tiền của vật liệu, phụ tùng được sử dụng.
Trên đây là những ý kiến của Luật Bạch Long về vấn đề “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!