Nghiên cứu về tài sản và phân loại tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, xây dựng các chế định khác của luật dân sự: chế định về sở hữu, thừa kế, hợp đồng… Điều đó được quy định rõ trong Bộ luật dân sự 2015.
1. Khái niệm tài sản:
– Tài sản là một khái niệm quen thuộc được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong các lĩnh vực khoa học chuyên ngành như kinh tế, pháp lý, kế toán tài chính, tài sản cũng là khái niệm cơ bản và được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng dưới các góc độ khác nhau. Theo đó, tài sản là các vật thể hoặc phi vật thể (hữu hình hoặc vô hình), có thể trị giá được thành tiền mà con người có thể chiếm hữu được nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất hoặc tinh thần và chỉ có thể thuộc quyền sở hữu của một chủ thể nhất định khi chúng còn tồn tại.
– Tài sản được đề cập tại Điều 105 BLDS 2015:
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai
Với quy định cụ thể về tài sản như thế, đã đảm bảo tính bao quát và rõ ràng tạo thành cơ sở pháp lý quan trọng góp phần áp dụng pháp luật một cách thống nhất.
– Các thuộc tính của tài sản:
+ Con người có thể chiếm hữu được;
+ Đáp ứng nhu cầu tinh thần hoặc vật chất cho chủ thể;
+ Phải có thể trị giá được thành tiền và là đối tượng trong trao đổi tài sản.
+ Khi chúng không còn tồn tại thì quyền sở hữu bị chấm dứt.
2. Các dạng tài sản:
Theo điều 105 BLDS 2015 xác định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”
– Thứ nhất, tài sản là vật: Vật là một bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm giác được bằng các giác quan của mình. Vật chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành đối tượng trong quan hệ pháp luật nên nếu bộ phận của thế giới vật chất mà con người không thể kiểm soát, chiếm hữu được nó thì cũng đồng nghĩa với việc con người không thể tác động được vào nó. Đối tượng của quan hệ pháp luật nên vật phải đáp ứng được lợi ích của các chủ thể trong quan hệ. Như vậy, muốn trở thành vật trong dân sự phải thỏa mãn những điều kiện sau:
+ Là bộ phận của thế giới vật chất.
+ Con người chiếm hữu được, lại lợi ích cho chính chủ thể.
+ Có thể tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
– Thứ hai, tài sản là tiền: Tiền theo kinh tế chính trị học là vật ngang giá chung được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác. Một tài sản được coi là tiền hiện nay khi nó đang có giá trị lưu hành trên thực tế. Tiền là một chuẩn mực chung để có thể so sánh giá trị của các hàng hóa và dịch vụ. Tiền về mặt pháp lý có thể được hiểu là nội tệ hoặc ngoại tệ. Tiền với tư cách là tài sản phải có các thuộc tính sau đây:
+ Giá trị được xác định thông qua mệnh giá;
+ Là phương tiện thanh toán, trao đổi hàng hóa;
+ Là phương tiện tính toán giá trị;
+ Là phương tiện tích lũy giá trị;
– Thứ ba, tài sản là giấy tờ có giá: Giấy tờ có giá là loại tài sản rất phổ biến trong giao lưu dân sự hiện nay đặc biệt là giao dịch trong các hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể có rất nhiều cơ quan ban hành như: kho bạc, các công ty cổ phần…, có thể có mệnh giá hoặc không có mệnh giá, có thể có thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng, có thể ghi danh hoặc không ghi danh và việc thực hiện quyền định đoạt về số phận thực tế đối với giấy tờ có giá cũng không bị hạn chế như việc định đoạt tiền. Ví dụ: giấu nhận nợ, tờ vé số trúng thưởng, trái phiếu, cổ phiếu…tất cả những giấy tờ trị giá được bằng đồng Việt Nam. Một tờ giấy có giá cần phải có các thuộc tính sau:
+ Xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xác định;
+ Trị giá được thành tiền;
+ Có thể chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể khác trong các giao dịch dân sự như mua bán, cầm cố, thế chấp, chiết khấu;
– Thứ tư, tài sản là quyền tài sản: theo đinh nghĩa tại Điều 115 BLDS 2015 là: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, điều luật này đã liệt kê và chỉ rõ phạm vi những quyền được coi là quyền tài sản, tránh được sự nhầm lẫn với một số quyền nhân thân. Qua đây cũng nhận thấy rằng: phạm vi đối tượng quyền được coi là tài sản mặc dù không có khả năng chuyển giao trong giao dịch dân sự còn tạo tiền để để việc ghi nhận một số loại đối tượng có giá trị trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật thừa nhận bởi hạn chết trong việc chuyển giao nó. Ví dụ: Quyền sáng chế, phát minh ra máy gặt lúa, xe lăn cho người tàn tật, giống cây trồng, vật nuôi mới…. được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ.
Đọc thêm:
3. Phân loại tài sản nói chung:
BLDS 2015 dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để phân tài sản thành các loại như sau:
– Dựa vào việc có thể hay không thể di chuyển, dịch dời được, tài sản được phân loại thành bất động sản và động sản. Khái niệm bất động sản và động sản được quy định tại Điều 107 BLDS 2015 như sau: “Bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng, tài sản khác theo quy định của pháp luật. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”. Căn cứ vào quy định này thì đất đai và những tài sản gắn liền với đất đai như: nhà, công trình xây dựng, cây cối, tài nguyên… sẽ được coi là bất động sản. Còn động sản là những tài sản mà nó không thuộc là bất động sản. Cách phân loại này chủ yếu dựa vào đặc tính vật lý của tài sản là có thể di dời được hay không. Đó là tiêu chí hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới đều sử dụng bởi việc xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến hai loại tài sản này rất khác nhau cần phải có quy phạm điều chỉnh riêng đối với từng loại.
– Dựa vào tính hiện hữu của tài sản, tài sản được xác định theo hai dạng: tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. “Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch” (Khoản 1 Điều 108 BLDS 2015). Tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là tài sản chưa tồn tại hoặc chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm xem xét (thường là thời điểm xác lập nghĩa vụ hoặc giao dịch được giao kết) nhưng chắc chắn sẽ có hoặc được hình thành trong tương lai. “Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành. Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch” (Khoản 2 Điều 108 BLDS 2015).
– Dựa vào nguồn gốc hình thành của tài sản, tài sản được phân thành hoa lợi và lợi tức. Tài sản gốc được hiểu là tài sản khi sử dụng, khai thác công dụng thì sinh ra lợi ích vật chất nhất định. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại như: con bê do con bò đẻ ra, hoa quả thu hoạch từ cây cối… Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản mà không phải là do tài sản tự sinh ra như: tiền lãi, tiền thuê nhà… Có thể nhận xét rằng cả hoa lợi và lợi tức đều là những tài sản sinh ra từ việc khai thác, sử dụng tài sản gốc.
Như vậy, tài sản là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mối quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Khái niệm về tài sản cho đến hiện nay vẫn chỉ mang tính chất liệt kê, khái quát chưa mang tính tổng hợp tài sản. Có thể nói tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác biệt cần thiết phải có quy chế pháp lý điều chỉnh riêng. Chính vì vậy, việc phân loại tài sản là cần thiết không chỉ có ý nghĩa trong hoạt động lập pháp mà còn có ý nghĩa trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Trên đây là quan điểm của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.