Đình công bất hợp pháp là đình công không thực hiện đầy đủ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Các trường hợp đình công bất hợp pháp được quy định tại Điều 215 BLLĐ 2019.
Tại Bộ luật Lao động năm 2019, căn cứ xác định cuộc đình công bất hợp pháp được giảm bớt số lượng quy định nhưng mở rộng nội hàm. Theo đó, các cuộc đình công bị xác định bất hợp pháp bao gồm:
1. Đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là những tranh chấp lao động liên quan đến những vấn đề không được quy định trong hợp đồng lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể. Hay nói cách khác, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp những vấn đề chưa được quy định, những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề NLĐ hướng đến để đảm bảo một môi trường làm việc tốt hơn. Theo quy định tại BLLĐ 2019, đình công không xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể là đình công bất hợp pháp.
2. Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công
Pháp luật chỉ công nhận đình công hợp pháp khi nó phục vụ cho những người lao động cùng làm việc cho một người sử dụng lao động. Có thể ở những phạm vi và quy mô khác nhau nhưng dứt khoát phải cùng một chủ sử dụng lao động. Việc tham gia đình công của những người lao động khác vào cuộc đình công là vi phạm điều kiện nêu trên.
Những NLĐ không cùng làm việc cho một NSDLĐ được coi là đình công bất hợp pháp nhằm hạn chế các cuộc đình công hưởng ứng, đình công ủng hộ, đồng thời gián tiếp không thừa nhận đình công trong phạm vi một ngành hay trong phạm vi một khu vực. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, thì quy định này là hợp lý và dễ hiểu, nhằm hạn chế những tác động gây bất ổn về chính trị, xã hội của đất nước, hạn chế sự ảnh hưởng của cuộc đình công, khoanh vùng phạm vi đình công. Thực tế các cuộc đình công diễn ra ở Việt Nam đều tuân thủ quy định này, nghĩa là chỉ đình công trong phạm vi một NSDLĐ.
3. Đình công vẫn diễn ra khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của BLLĐ
Theo quy định của BLLĐ 2019, đình công phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Trước khi tập thể NLĐ tiến hành đình công, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết bởi Hòa giải viên lao động và Hội trọng tài lao động. Khi tranh chấp này chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết thì tập thể lao động không được tổ chức đình công. Nếu vi phạm quy định về thời điểm đình công trên, cuộc đình công được coi là bất hợp pháp.
Trên thực tế, quy định này hầu như không được tuân thủ. Thông thường, ngay khi có mâu thuẫn, bất đồng với NSDLĐ thì tập thể lao động đã rời bỏ vị trí làm việc, tụ tập với số lượng lớn và đưa ra các yêu sách. Đa phần NLĐ mong muốn sử dụng đình công để gây hậu quả “tức thời” và nhanh chóng.
Tóm lại, pháp luật lao động chỉ cho phép đình công khi đã sử dụng hết các phương thức giải quyết tranh chấp lao động, nếu đang hoặc chưa được giải quyết thì đình công bị tuyên bất hợp pháp.
Đọc thêm: Người lao động tự ý nghỉ việc, người sử dụng lao động không trả lương giải quyết thế nào?
4. Đình công được tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định
Mỗi quốc gia đều có quy định danh mục các doanh nghiệp không được đình công tại các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng thiết yếu, có khả năng gây bất ổn kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Theo quy định về Danh mục các đơn vị sử dụng lao động không được đình công thì các đơn vị sử dụng lao động không được đình công là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng, bao gồm các ngành điện lực; dầu khí và gas; bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải; bưu chính, viễn thông; cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường; trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng… Nghị định cũng liệt kê các doanh nghiệp không được đình công.
Những đơn vị nêu trên đều là những đơn vị sử dụng lao động có vị trí vai trò quan trọng và nhạy cảm đối với nền an ninh đất nước, an toàn xã hội, nếu đình công xảy ra, rất có thể an ninh chính trị, kinh tế – xã hội của quốc gia bị ảnh hưởng hoặc xảy ra những hậu quả nghiêm trọng khó có thể khắc phục. Quy định này thực tế và dễ hiểu để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của cuộc đình công đối với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
5. Đình công vẫn diễn ra khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công
Hoãn đình công hay ngừng đình công là sự can thiệp của Nhà nước nhằm chấm dứt cuộc đình công vì xét nếu thấy đình công diễn ra hay tiếp tục xảy ra sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trị, xã hội của địa phương, của đất nước.
Để có quyết định hoãn hay ngừng đình công, chủ thể có thẩm quyền phải xem xét các yếu tố một cách toàn diện và chính xác do đó, một khi đã có quyết định về hoãn hoặc ngừng đình công, nếu tập thể NLĐ vẫn tiếp tục đình công thì cuộc đình công là bất hợp pháp. Quy định này là hợp lý để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng trong những trường hợp cần thiết.
Như vậy, bằng quy định trên (Điều 215 BLLĐ năm 2012), Nhà nước đã hạn chế đối tượng và phạm vi được đình công: Chỉ thừa nhận đình công trong phạm vi doanh nghiệp; hạn chế về mục đích của đình công: Chỉ thừa nhận những cuộc đình công nhằm giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích trong phạm vi doanh nghiệp; hạn chế về thời điểm đình công.
Tuy nhiên, các quy định trên còn nhiều điểm chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật; ví dụ, khái niệm tranh chấp lao động tập thể, phạm vi quan hệ lao động, phạm vi doanh nghiệp…
Điều kiện đình công như vậy cũng là chặt chẽ so với quan điểm của ILO và nhiều nước khác, thậm chí so với cả điều kiện kinh tế xã hội và lao động ở Việt Nam. Các quy định trên cũng không đồng bộ với một số quy định khác trong hệ thống pháp luật hiện hành. Ví dụ, phạm vi ký kết thỏa ước lao động tập thể có thể áp dụng ở cấp ngành nhưng đình công chỉ thừa nhận trong phạm vi doanh nghiệp. Đó cũng là những vấn đề cần được xem xét trong quá trình hoàn thiện pháp luật về đình công hiện nay.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.