Mục đích của tố tụng dân sự là bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước. Tố tụng dân sự bao gồm: khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự, thụ lí vụ việc dân sự, giải quyết vụ việc dân sự theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành án dân sự. Để quá trình này diễn ra một cách công bằng và minh bạch thì không thể không thể kể tới vai trò của một số cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Hoạt động của họ mang tính chất chủ động và độc lập. Những người này được gọi là người tiến hành tố tụng dân sự Trong bài viết này, Luật Bạch Long xin đưa ra phân tích và bình luật về một số quy định về Người tiến hành Tố tụng Dân sự.

Người tiến hành tố tụng dân sự
ĐỌC THÊM: Kiểm sát viên không được dùng bia rượu trong 12 giờ trước phiên Toà.
Khi nào tiến hành nhập hoặc tách vụ án.
Thủ tục Giám đốc thẩm trong Tố tụng Dân sự.
Trước tiên ta cần hiểu người tiến hành Tố tụng Dân sự là gì? Trên thế giới có nhiều định nghĩa về người tiến hành Tố tụng Dân sự. Nhưng theo pháp luật hiện hành của Việt Nam thì người tiến hành tố tụng dân sự được định nghĩa là người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
Về nhiệm kỳ của các Thẩm phán thì mới chỉ dừng lại ở việc thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi ở tại các nước trên thế giới thì Thẩm phán được bổ nhiệm một lần duy nhất cho tới khi nghỉ hưu, và khi về hưu họ vẫn có thể được mời tham gia xét xử. Để đào tạo ra được một Thẩm phán là cả một quá trình rất dài. Cũng là người trực tiếp xử lí những VVDS, như vậy liệu việc quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán có đang là không cần thiết khi việc này có thể ảnh hưởng tới sự độc lập xét xử của họ, chưa kể tới những tiêu cực dẫn tới tình trạng lạm quyền tại Toà án.
Thẩm phán là người lấy lời khai của các đương sự trong vụ án dân sự hay VVDS. Nhưng hiện tại, thực tế đang cho thấy các VVDS ngày một tăng và đang dẫn tới tình trạng quá tải. Khiến các Thẩm phán không thể đáp ứng về mặt tốc độ giải quyết gây trì trệ, ứ đọng án. Cần có một hướng giúp giảm tải để các Thẩm phán có thể giải quyết nhanh và chính xác.
Về Kiểm sát viên. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 232, Khoản 1 Điều 296, Khoản 1 Điều 367 BLTTDS 2015 “Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm”.
Quy định này gây khó khăn trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự vì việc phân công Kiểm sát viên kiểm sát giải quyết vụ án và tham gia phiên tòa được thực hiện khi Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ án. Hơn nữa quyết định đưa vụ án ra xét xử thời gian nào là do Thẩm phán chủ động quyết định nên thực tế xảy nhiều trường hợp một Kiểm sát viên có 02 hoặc nhiều vụ án cùng lên lịch xét xử cùng một thời điểm.
Hoặc cũng có trường hợp tuy lịch xét xử Tòa án không trùng nhưng do vụ án kéo dài nhiều ngày dẫn đến trùng với thời gian xét xử của vụ án khác mà không có kiểm sát viên dự khuyết, hoặc đến ngày xét xử Kiểm sát viên được phân công ốm không thể tham gia phiên tòa. Trong những trường hợp này Kiểm sát viên không tham gia được phiên tòa, việc ra quyết định thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa không thực hiện được và nhiều lý do khác nữa. Do đó, Viện kiểm sát không thực hiện được việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa.
Tại Điều 53 BLTTDS 2015 trong trường hợp Thẩm phán là người thân thích của người đại diện theo pháp luật của đương sự. Để bảo đảm giải quyết vụ việc dân sự khách quan đương sự có thể ủy quyền cho một người khác tham gia tố tụng.
Ủy quyền cho người khác tham gia thủ tục khá thuận tiện, đơn giản hơn thủ tục thay đổi người tiến hành tố tụng nhưng đối với trường hợp thẩm phán là người thân thích với người đại diện theo pháp luật của đương sự. Ta cần coi đây là căn cứ để thay đổi thẩm phán, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự được vô tư, khách quan và thuận tiện, nhanh chóng.
Việc bổ sung quy định sẽ tạo sự chặt chẽ khoa học trong các căn cứ thay đổi thẩm phán của pháp luật tố tụng dân sự. Nếu không thì các cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản hướng dẫn để cơ quan Toà án có hướng giải quyết khi trường hợp này xảy ra.
Và một điều bất cập nữa tại các quy định về thay đổi người tiến hành tố tụng, có một thực tế rằng đương sự khó có thể biết và có chứng cứ để chứng minh rõ ràng NTHTTDS không vô tư khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Đương sự là một người hiểu biết thì chúng ta sẽ không bàn tới, nhưng nếu đương sự là những người có ít hiểu biết thì khó có thể chứng minh được. Vì vậy cần một chế tài để những NTHTTDS có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ và nguyên tắc của tốt tụng dân sự.