Cần sa là một loại cây chứa chất ma túy cho nên người hút sẽ dần bị lệ thuộc vào cần sa và dẫn đến bị nghiện. Dần dần, người nghiện sẽ tăng liều, hay tìm kiếm những loại ma túy mạnh hơn. Với tính chất nguy hiểm đó, việc trồng cây cần sa với bất cứ mục đích gì cũng bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị. Trong bài viết này, Luật Bạch Long xin làm rõ các quy định xử phạt về việc trồng cần sa trái phép.
Xem thêm:
- Hải quan cảnh báo thuốc thú y có chứa ma túy, tiền chất
- Nữ quái cầm đầu đường dây buôn bán gần 60kg ma túy
- Danh mục ngành nghề kinh doanh
Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội trồng cây cần sa như sau:
“Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Trong can sa se bi xu ly theo quy dinh cua phap luat
1. Chủ thể của tội phạm
Những người đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.
2. Mặt khách quan của tội phạm
– Tham khảo Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999:
“1. Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192).
1.1. “Các loại cây khác có chứa chất ma túy” là các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ, trừ cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa.
1.2. “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại Điều 192 của BLHS là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).
1.3. Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Đã được giáo dục nhiều lần”, “đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
a) “Đã được giáo dục nhiều lần” là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản. Chỉ bị coi là “đã được giáo dục nhiều lần” nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính.
b) “Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống” là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế các loại cây có chứa chất ma túy.
c) “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” được hiểu là trước đó đã có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện. (Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì có hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền).
1.4. Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội này.
1.5. Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính” nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 192 của BLHS. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.
Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy khi cây hoặc các bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng (chất ma túy) quy định tại Điều 194 của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS”.
Danh mục các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP Quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Như vậy, theo giải hướng dẫn nêu trên, hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy được quy định trong điều luật là hành vi hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).
Hậu quả: Chế độ quản lý của Nhà nước về việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma túy bị xâm phạm (số lượng từ 500 cây trở lên).
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả: Hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy và hậu quả quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy bị xâm phạm (số lượng từ 500 cây trở lên) xảy ra phải có mối quan hệ nhân quả với nhau. Trường hợp không có mối quan hệ nhân quả thì không có tội phạm này xảy ra.
3. Mặt chủ quan của tội phạm
Nội hàm cụm từ “trồng” được quy định trong điều luật đã thể hiện người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý nhưng vẫn cố tình vi phạm.
4. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là chế độ quản lý của Nhà nước về việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma túy (việc Nhà nước có chính sách để loại bỏ việc trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma túy).
Đối tượng tác động của tội phạm này là cây có chứa chất ma tuý như cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa…
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Luật Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!