Ở mỗi quốc gia các doanh nghiệp thương mại đều có vị trí quan trọng góp phần điều hoà cung cầu hàng hoá trên thị trường, là chiếc cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giúp cho người sản xuất phân phối hàng hóa, đảm bảo cho quá trình sản xuất, nó cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các doanh nghiệp thương mại giúp cho nhà sản xuất khuếch trương sản phẩm, khơi dậy nhu cầu khách hàng và giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm của doanh nghiệp do đó cung cấp các thông tin trực tiếp về sản phẩm cho người tiêu dùng thông qua các nhân viên bán hàng. Quan trọng như vậy nên cần phải có một hành lang pháp lý được đặt ra để có thể bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp, mặt khác đây cũng là một nhánh quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước. Để được hoạt động, các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những yêu cầu hay quy định riêng và chung, chúng ta gọi đó là các Điều kiện kinh doanh. Luật Bạch Long sẽ gửi tới quý vị những phân tích về vấn đề “Điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp” trong bài viết này, chủ đề sẽ được chia làm 03 phần để tiện cho việc theo dõi của quý vị.
ĐỌC THÊM:
Điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp (p1)
Điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp (p3)
Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại?
- Thực trạng pháp luật Việt Nam về điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp.
Luật doanh nghiệp 2014 đã có những bước tiến lớn chuyển mình để kịp thích nghi với nền kinh tế nhiều biến động và đang trên đà phát triển của Việt Nam. Cụ thể bỏ nội dung hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Lần đầu tiên, hợp và công khai hóa hai danh mục “loại trừ” về ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh và hiện thực hóa quy định của Hiến pháp 2013, đó là quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà luật không cấm. Bên cạnh đó Luật Đầu tư 2014 đã thiết lập được một cơ chế kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh, qua thời gian đã cho thấy sự đúng đắn và tính kịp thời, nhưng bên cạnh đó thì vẫn có một số điểm bất cập mà cần phải xem xét tới.
Những giải pháp của Chính phủ chưa thực sự mang lại hiệu quả do các Bộ quản lý chuyên ngành cứ cắt khúc vấn đề quản lý của mình ra. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đa dạng nên nhiều trường hợp xin cấp phép sẽ phải qua nhiều cơ quan dẫn tới khó khăn và dài dòng, hơn nữa một số Bộ lại vừa ban hành các quy định về giấy phép lại vừa trực tiếp cấp giấy phép, điều này đi ngược lại với chủ trương quản lý Nhà nước. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ quản lý về đầu tư, Bộ tài nguyên thì lại cắt khúc các mảng, bộ phận chuyên ngành khác nhau. Tại một bài viết có tiêu đề là “Điều kiện kinh doanh khí phát sinh nhiều bất cập” của Vov.vn ngày 29 tháng 9 năm 2019 có chỉ ra doanh nghiệp đang bị kìm hãm bởi nhiều điều kiện kinh doanh không đồng nhất, chồng chéo, chưa gắn với bản chất hoạt động kinh doanh, còn có những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (quy định lập sổ theo dõi chai LPG; cho thuê chai LPG,…). Ngoài ra, thủ tục hành chính khó triển khai tại địa phương (thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xung đột pháp lý với quy định về điều kiện). Có quá nhiều các thủ tục về quản lý về đầu tư, vận hành và kinh doanh trạm khí hóa lỏng, bao gồm khoảng 70 thủ tục khác nhau. Điều đó chứng tỏ một số thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; một số quy định của Luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan và với thực tiễn mới phát sinh; một số quy định còn tạo ra rào cản để doanh nghiệp phát triển.
Gần đây nổi cộm lên những vụ việc cấp giấy phép sai quy định để dẫn tới nhiều hệ quả như tàn phá môi trường, huỷ hai hệ sinh thái, thất thoát của nhà nước không thể ước tính. Từ đây câu hỏi đặt ra có phải quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình cấp phép đang còn lỏng lẻo vào rất ít, chưa đủ để răn đe cho nên mới xảy ra tình trạng liên tục có những sai phạm như vậy hay không. Vì là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp khai sinh ra một doanh nghiệp nên cũng giống như các hoạt động khác cần bổ sung và hoàn thiện hơn nữa những quy định về trách nhiệm của những cơ quan này.
Điều kiện kinh doanh về cơ sở vật chất còn tồn tại một số quy định mang tính chất áp đặt đến quy mô của doanh nghiệp, can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của chủ thể kinh doanh như: Doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu trong phương án kinh doanh được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt mới có thể hoạt động. Quy định này, vô hình chung đã trực tiếp loại bỏ đa số doanh nghiệp vận tải nhỏ và vừa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn chiếm giữ thị trường, làm giảm cơ hội lựa chọn dịch vụ của khách hàng. Thực tế cho thấy, không phải cơ sở kinh doanh nào có số lượng xe nhiều hơn thì chất lượng dịch vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông. Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe tô cũng có một số điểm bất cập về chủ thể. Cụ thể, cùng một phương tiện giao thông là ô tô nhưng, niên hạn tham gia giao thông ở đô thị loại đặc biệt có thời hạn không quá 8 năm, trong khi đó niên hạn ở các địa phương khác là không quá 12 năm hay ở Điều 11 và 12 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP “Đối với doanh nghiệp phân phối rượu phải có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150m2 trở lên và Doanh nghiệp bán buôn rượu phải có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 50m2 trở lên”. Việc doanh nghiệp sử dụng diện tích sàn sử dụng để phân phối rượu và bán buôn rượu như thế nào phụ thuộc vào quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đặt ra các quy định về diện tích sàn sử dụng như trên, vô hình chung đã làm khó doanh nghiệp và có thể sẽ gây lãng phí cho doanh nghiệp vì trên thực tế, đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ không cần đến diện tích sàn sử dụng như vậy, quy định trên chưa thực sự tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình vì trên thực tế hiện nay loại hình kinh doanh online đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ nên có những doanh nghiệp thậm chí không cần tới một diện tích lớn như vậy để có thể kinh doanh hay có những doanh nghiệp cũng chẳng cần có một lượng xe ô tô nhất định thì mới có thể kinh doanh, chính vì thế, việc đưa ra điều kiện về diện tích địa điểm kinh doanh hay yêu cầu về số lượng phương tiện kinh doanh cần phải được xem xét và điều chỉnh để sát với thực tế hơn.
Các điều kiện kinh doanh mà nhà đầu tư phải đáp ứng khi thành lập doanh nghiệp trong các lĩnh vực chuyên ngành còn chưa rõ ràng. Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức: “a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề; d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) Văn bản xác nhận; e) Các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật không được quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản này; g) Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này.” Một số điều kiện như “văn bản xác nhận” hay “các hình thức văn bản khác” và “các yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản” còn quá chung chung và mập mờ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, tự do thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Càng nhiều loại điều kiện được áp dụng cùng một lúc, thì việc cấp phép càng khó khăn, phiền hà và tốn kém. Mặt khác nó gây rủi ro trong kinh doanh và giảm mức độ tuân thủ pháp luật. Nhà đầu tư và doanh nghiệp không hiểu và biết được phải làm và làm thế nào để “đúng”, “đủ” và “phù hợp” với quy định của pháp luật; và do đó, không thể tiên liệu được là việc xin phép có thể đạt được kết quả như dự tính hay không. Có thể thấy chính hệ thống các quy định về không rõ ràng về điều kiện kinh doanh đã và đang trở thành rào cản lớn, ngăn chặn tiến trình gia nhập thị trường của nhà đầu tư.
Về điều kiện nhân sự cũng có một số vấn đề, pháp luật yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên bảo vệ cho cơ sở của mình phải có số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ tối thiểu từ 300 nhân viên trở lên (Điểm c Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP). Nếu cứ bắt buộc sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên bảo vệ cho cơ sở của mình phải có số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ tối thiểu từ 300 nhân viên trở lên vô hình chung làm khó cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế. Nên để cho cơ sở kinh doanh tự quyết định số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ dựa trên năng lực, nhu cầu của mình để tránh tình trạng lãng phí hoặc gây khó khăn cho cơ sở kinh doanh.
Nhiều điều kiện kinh doanh tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Nhiều giấy phép kinh doanh có thời hạn ngắn, khiến doanh nghiệp khó dự liệu cho tương lai, không muốn đầu tư lớn. Các điều kiện kinh doanh này yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch trong khi Nhà nước chưa có quy hoạch và quy hoạch có nhiều thay đổi. điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định không hợp lý, đã tạo ra rủi ro, rào cản và làm gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định không hợp lý về điều kiện đầu tư kinh doanh xảy ra trong nhiều trường hợp như: điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới hình thức Giấy phép nhưng có thời hạn ngắn; đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép lại sau khi hết hạn. Quy định này tạo ra một rủi ro lớn cho doanh nghiệp và tạo ra tâm lý không dám đầu tư lớn và dài hạn. Doanh nghiệp có thể phải tạm dừng hoạt động hoạt động kinh doanh đang bình thường do phải chờ cấp giấy phép mới, khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại về vật chất. Trường hợp khác là điều kiện dưới hình thức Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp sau khi đã chuẩn bị và đáp ứng đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh thì vẫn phải thực hiện một thủ tục hành chính để xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, để được bắt đầu tiến hành kinh doanh. Yêu cầu sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp do thực hiện thêm một thủ tục hành chính. Ngoài ra, nhiều ngành nghề kinh doanh cũng đặt ra những yêu cầu, điều kiện là phải phù hợp với quy hoạch như: quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch mạng lưới kinh doanh… Có nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể kinh doanh chỉ vì địa điểm kinh doanh chưa có trong quy hoạch, họ lại phải phải tốn kém thời gian, tiền bạc để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, hoặc thậm chí mất cơ hội kinh doanh. Rủi ro chính sách nói chung và điều kiện kinh doanh nói riêng luôn là điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp.
Về điều kiện kinh doanh do doanh nghiệp tự thực hiện, không phải làm thủ tục xác nhận hoặc xin phép thì luật Doanh nghiệp năm 2014 đã kế thừa và tiếp tục hoàn thiện. Nhìn chung thì những quy định về điều kiện kinh doanh này khá hoàn thiện, chủ thể chỉ phải cam kết thực hiện đúng và đủ các điều kiện kinh doanh theo Nhà nước quy định như phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm,… duy chỉ có hệ thống văn bản là khá phức tạp vì thường phải dẫn chiếu qua nhiều văn bản cho nên nội dung sẽ khá khó để tiếp cận một cách chi tiết và đầy đủ, trong các văn bản, cách dùng các thuật ngữ như “phù hợp” “đạt tiêu chuẩn” Vậy như thế nào là phù hợp hay đạt tiêu chuẩn của cái gì?. Chính sự chung chung chưa rõ ràng này có thể tạo cơ hội cho tham nhũng và nhũng nhiễu ở những cán bộ biến chất có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra.
Như vậy, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay của các quy định về điều kiện kinh doanh đó là vẫn còn tồn tại một số quy định về điều kiện kinh doanh liên quan đến quy mô của doanh nghiệp, can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của chủ thể kinh doanh hoặc có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh theo tinh thần của Hiến pháp việc hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh là rất cần thiết.
Trên đây là những ý kiến của Luật Bạch Long về vấn đề “đkkd khi thành lập doanh nghiệp”, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!