Trẻ em luôn được xem là đối tượng đặc biệt của tình yêu thương, không chỉ trong mỗi gia đình mà còn trên phương diện xã hội. Bởi vì, “trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nói cách khác trẻ em chính là vận mệnh của đất nước trong tương lai, là những mầm non gây dựng cơ đồ cho đất nước. Bảo vệ trẻ em luôn là một điều được cả xã hội quan tâm, thể hiện tính chất công bằng, dân chủ, nhân đạo của pháp luật XHCN. Vì vậy, trẻ em là đối tượng đặc biệt được bảo vệ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
I. Trong quan hệ giữa cha mẹ và con
1.Quyền của trẻ em trong quan hệ giữa cha mẹ và con
Luật HN&GĐ năm 2014 ghi nhận và đảm bảo quyền của người con chưa thành niên trong những khía cạnh quan trọng nhất của quan hệ hôn nhân và gia đình: “Mọi thoả thuận của cha mẹ, con liên quan đén quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên…”
Điều 69 Luật này lại quy định quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, theo đó người con, mà đặc biệt là con chưa thành niên phải được đảm bảo những điều kiện tốt nhất về cả thể chất và tinh thần để phát triển.
Con chưa thành niên có quyền được đón nhận tình yêu thương, sự tôn trọng từ chính gia đình của mình, có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, được đảm bảo lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản, được phát triển lành mạnh (Điều 70 Luật HN&GĐ năm 2014).
2. Trong vấn đề xác định cha, mẹ, con.
Điều 90 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều mong muốn có một mái nhà được nhận đủ tình thương từ cha và mẹ, đôi khi đơn giản hơn chỉ là mong muốn được có cha, được biết mẹ mình là ai. Nhưng trên thực tế, tình trạng trẻ em bị cha, mẹ từ chối nhận con không phải hiếm gặp. Quy định về quyền nhận cha, mẹ của mình thể hiện tính nhân đạo, trong nhiều trường hợp nó còn đảm bảo cho quyền tài sản của con chưa thành niên.
3. Trong vấn đề cấp dưỡng.
Điều 110 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên,… trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng”.
Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để lại cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên; trường hợp cháu chưa thành niên mà không có người cấp dưỡng thì ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu.
Những quy định này đã đảm bảo cho trẻ em luôn được đáp ứng được những điều kiện tối thiểu nhất để có thể phát triển.
4. Được nhận làm con nuôi.
Luật HN&GĐ năm 2014 thừa nhận việc nhận nuôi con nuôi với những chế định cụ thể được quy định trong Luật Nuôi con nuôi, điều này đảm bảo cho trẻ em có quyền được sống dưới một mái nhà, được nhận sự chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn và có thể phát triển toàn diện về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ.
II. Bảo vệ quyền của con chưa thành niên sau khi bố mẹ ly hôn.
1. Nguyên tắc giao con chưa thành niên cho bên nào nuôi dưỡng, giáo dục vì quyền lợi của con.
Trong một vụ án ly hôn, ngoài vấn đề tài sản thì việc giao con cho ai nuôi là nội dung quan trọng mà Tòa án phải quyết định. Bởi người bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi sau khi cha mẹ ly hôn vẫn là những đứa, nhất là trẻ đang ở lứa tuổi chưa thành niên. Cụ thể hóa nguyên tắc trên, Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con”. Quy định này nhằm đảm bảo tốt nhất về quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ. Ở một số Tòa án, việc quyết định giao con cho ai còn lấy ý kiến của con ngay cả khi cha mẹ thỏa thuận được việc giao con cho ai nuôi. Việc hỏi ý kiến để các em nói lêm tâm tư, nguyện vọng của mình là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với tình thần của Điều 12 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Ý kiến của con tuy không có ý nghĩa quyết định nhưng cũng là một trong những cơ sở cần thiết để Tòa án xem xét, lựa chọn người nuôi con, đảm bảo cho trẻ có sự phát triển tốt nhất.
Việc xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên: So với Luật HN&GĐ năm 2000, độ tuổi đủ để trẻ được xem xét nguyện vọng đã giảm đi 02 tuổi theo Luật HN&GĐ năm 2014. Việc sửa đổi độ tuổi này là phù hợp bởi thực tế, trẻ ngày càng phát triển sớm và hiểu chuyện, cũng như có chủ kiến của mình, cũng đủ tầm nhận thức để quyết định được mình nên sống với ai. Việc kịp thời thay đổi quy định về độ tuổi để trẻ được nói lên nguyện vọng muốn sống cùng ai là phù hợp, thể hiện sự tôn trọng ý kiến của trẻ cũng như đánh giá được suy nghĩ, quan điểm của trẻ và phù hợp với một số nước trên thế giới và trong khu vực, với các Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Đọc thêm:
Các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con của Tòa án
Con ngoài giá thú có được mang họ của cha?
2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chưa thành niên sau khi ly hôn.
Khoản 1 Điều 81 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…”.
Trường hợp con chưa thành niên mà cha mẹ ly hôn, ở tuổi này, các em đang trong quá trình hình thành nhân cách, chưa phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Do vậy, pháp luật ràng buộc trách nhiệm pháp lý của cha mẹ về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng đối với con chưa thành niên là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo quyền được phát triển tốt của đứa trẻ.
Sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ vẫn không thay đổi, đặc biệt đối với người trực tiếp nuôi con. Người trực tiếp nuôi con thực hiện những quyền và nghĩa vụ của mình giống như họ đã thực hiện nghĩa vụ này trước khi ly hôn. Trên thực tế, vai trò của người trực tiếp nuôi con là rất quan trọng. Sự chăm sóc, giáo dục của họ đối với con có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triên thể chất, tinh thần và trí tuệ của con. Cùng một lúc họ phải thực hiện vai trò của cha mẹ trong gia đình, vì vậy sự hỗ trợ của người không trực tiếp nuôi con vừa là trách nhiệm, vừa là một điều không thể thiếu để đảm bảo ổn định cho con.
Quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi dưỡng con:
Sau khi ly hôn, theo quy định của pháp luật, người con không thể đồng thời sống cung với cả cha và mẹ bởi vì khi đó, nghĩa vụ chung sống của vợ chồng không còn tồn tại. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho con và cũng để người không trực tiếp nuôi con được thực hiện trách nhiệm của mình và bù đắp phần nào nỗi day dứt khi phải sống xa con, pháp luật đã quy định cho họ những quyền và nghĩa vụ rất đặc thù. Khoản 3 Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi giải quyết tài sản của vợ chồng.
Điều 5 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên…” Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ quá trình giải quyết hậu quả pháp lý của ly hôn nói chung và việc chia tài sản chung của vợ chồng nói riêng.
Mặt khác, việc quy định các yếu tố cần phải xem xét khi áp dụng nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ, chồng cũng thể hiện rõ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên.
Bảo vệ trẻ em luôn là một điều được cả xã hội quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Cả xã hội đã luôn cố gắng tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển một cách toàn diện. Nhà nước đã đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách và nâng lên thành luật. Rất nhiều quyền lợi của trẻ em được pháp luật bảo vệ như quyền được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, được học hành, được vui chơi và phát triển toàn diện… Trẻ em có cha mẹ ly hôn là một đối tượng đặc biệt bởi vì so với những trẻ em khác thì chúng phải chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Do vậy, pháp luật đã có những quy định để bảo đảm quyền lợi cho chúng. Và những quy định của Luật HN&GĐ về trách nhiệm của cha mẹ khi ly hôn và những quyền lợi của trẻ em chính là một sự cụ thể hóa nguyên tắc bảo vệ trẻ em trong trường hợp đặc biệt, thể hiện tính chất công bằng, dân chủ, nhân đạo của pháp luật XHCN.
Trên đây là quan điểm của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.