Tội phạm là một hiện tượng xã hội, hoạt động phạm tội cũng như các hoạt động khác đều có quá trình từ bắt đầu đến kết thúc. Người phạm tội do cố ý có quá trình thực hiện tội phạm từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn thực hiện tội phạm, và khi tội phạm được thực hiện như ý định của người phạm tội là kết thúc một quá trình thực hiện tội phạm. Công ty Luật TNHH Bạch Long sẽ đưa ra một số tư vấn về vấn đề nêu trên như sau:
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tội phạm, không phải bao giờ người phạm tội cũng đạt được như ý muốn đã định trước, mà có không ít trường hợp tội phạm không được thực hiện đến cùng vì những lý do khách quan hoặc chủ quan của người phạm tội. Nếu vì những lý do khách quan mà người phạm tội không thực hiện đến cùng tội phạm, thì tuỳ thuộc vào giai đoạn tội phạm không tiếp tục được thực hiện đến cùng, mà khoa học luật hình sự chia ra làm các giai đoạn phạm tội khác nhau như: Giai đoạn chuẩn bị phạm tội, giai đoạn phạm tội chưa đạt, giai đoạn phạm tội đã hoàn thành và giai đoạn tội phạm đă kết thúc. Trong các giai đoạn phạm tội trên, nếu người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm (nguyên nhân chủ quan) thì tuỳ thuộc vào sự tự ý chấm dứt ở giai đoạn nào để xem xét trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Như vậy, quá trình thực hiện tội phạm có thể chia thành bốn giai đoạn phạm tội khác nhau; Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phạm tội đã hoàn thành và tội phạm đã kết thúc. Trước khi bước vào giai đoạn chuẩn bị phạm tội, bao giờ người phạm tội cũng có ý định phạm tội, nhưng ý định phạm tội chưa bị coi là tội phạm, nên về khoa học pháp lý không nghiên cứu giai đoạn phát sinh ý định phạm tội, mà chỉ nghiên cứu các giai đoạn thực hiện tội phạm, tức là người phạm tội đã bắt đầu có hành vi phạm tội. Điều này được khẳng định khi nêu khái niệm tội phạm tại Điều 8 Bộ luật hình sự “tội phạm là hành vi” chứ không phải là ý định, tư tưởng của con người.
Bộ luật hình sự chỉ quy định giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt mà không quy định giai đoạn tội phạm đã hoàn thành và tội phạm kết thúc. Nhưng về khoa học pháp lý, chúng ta không thể không nghiên cứu giai đoạn tội phạm đã hoàn thành và tội phạm kết thúc, vì nó có ý nghĩa không chỉ về lý luận mà còn có tác dụng to lớn trong thực tiễn, khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong một sô’ trường hợp nhất định. Tuy nhiên để xác định được giai đoạn tội phạm hoàn thành và tội phạm kết thúc, cần nghiên cứu và hiểu một cách cặn kẽ về giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt đã được quy định trong Bộ luật hình sự.
- Chuẩn bị phạm tội
Theo Điều 17 Bộ luật hình sự thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chuẩn bị phạm tội là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm, nhưng ở giai đoạn này người phạm tội tuy đã có một số hành vi khách quan được biểu hiện ra bên ngoài ý nghĩ, tư tưởng phạm tội, nhưng hành vi này chưa phải là hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, tức là bắt tay vào việc thực hiện tội phạm (chưa có hành vi xâm phạm đến đôì tượng tác động). Ví dụ: A chuẩn bị kìm cộng lực, vam phá khóa định đến nhà H cắt phá khóa trộm cắp tài sản của gia đình H, nhưng trên đường đến nhà H để thực hiện việc phá khóa thì bị phát hiện nên A không thực hiện được hành vi trộm cắp tại nhà H.
Như vậy, ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, người phạm tội đã có hành vi nhưng chưa phải là hành vi thực hiện tội phạm, mà chỉ là hành vi chuẩn bị thực hiện hành vi khách quan của tội phạm. Hành vi khách quan của tội phạm là hành động và không hành động được quy định trong cấu thành tội phạm cụ thể. Ví dụ: Hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi khách quan của tội cướp tài sản; hành vi dùng thủ đoạn gian dốì chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hành vi đôi xử tàn ác người lệ thuộc mình là hành vi khách quan của tội hành hạ người khác.v.v…
Để phân biệt đâu là hành vi chuẩn bị phạm tội, đâu là hành vi khách quan của cấu thành tội phạm phải căn cứ vào điều văn của điều luật quy định về tội phạm đó. Tuy nhiên, do kỹ thuật lập pháp nên không phải điều văn của điều luật nào cũng quy định rõ hành vi khách quan của cấu thành tội phạm, mà có nhiều điều luật nhà làm luật không quy định hành vi khách quan mà phải căn cứ vào giải thích chính thức, giải thích khoa học hoặc các hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền như các thông tư, nghị quyết (Thông tư liên tịch, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tốì cao). Ví dụ: Điều 93 Bộ luật hình sự quy định tội giết người, nhưng điều luật chỉ quy định: “người nào giết người…” còn hành vi giết người bao gồm những hành vi nào thì điều luật không quy định. Ngay cả trong trường hợp điều luật quy định hành vi khách quan của cấu thành tội phạm, thì cũng không phải bao giờ cũng nhận biết ngay hành vi nào là hành vi khách quan, mà nhiều trường hợp điều luật chỉ quy định hành vi chung còn hành vi cụ thể phải căn cứ vào các giải thích, hướng dẫn thì mới xác định được. Ví dụ: Điều 298 Bộ luật hình sự quy định tội dùng nhục hình, điều văn của điều luật quy định: “người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…” nhưng thế nào là “dùng nhục hình” thì lại phải căn cứ vào các giải thích, hướng dẫn, và tất nhiên chỉ những người có một trình độ pháp lý nhất định được đào tạo qua các trường luật mới có khả năng xác định “dùng nhục hình” là thế nào.
Trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, đòi hỏi chúng ta chỉ phải xác định những hành vi chuẩn bị phạm tội, nhưng muốn xác định hành vi chuẩn bị phạm tội thì lẽ đương nhiên phải hiểu và xác định được hành vi nào là hành vi thực hiện tội phạm (hành vi khách quan của cấu thành tội phạm).
Hành vi chuẩn bị phạm tội thường được thể hiện dưới các dạng như sau:
– Chuẩn bị kế hoạch tội phạm như: bàn bạc, phân công trách nhiệm cho từng người, kế hoạch tiêu thụ tài sản hay kế hoạch che giấu tội phạm… Dạng chuẩn bị phạm tội này thương xảy ra đối với những tội phạm được thực hiện có đồng phạm hoặc có tổ chức. Tuy nhiên cũng có trường hợp tội phạm chỉ do một người thực hiện vẫn có sự chuẩn bị kế hoạch tội phạm. Ví dụ: A có ý định đầu độc B, tự A đã vạch ra một kế hoạch như mua thuốc độc ở đâu, bỏ thuốc độc vào nước cho B uống như thế nào, sau khi B bị trúng độc thì làm thế nào để che giấu được tội phạm v.v…
– Thăm dò hoặc tìm địa điểm tội phạm, dạng chuẩn bị này chủ yếu đối với các tội xâm phạm sở hữu hoặc xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của công dân. Ví dụ: A muốn trộm cắp nhà B, nên A đã nhiều lần đến nhà B thăm dò xem gia đình B thường vắng nhà vào giờ nào, quy luật sinh hoạt của gia đình B ra sao để tiến hành trộm cắp.
– Chuẩn bị công cụ, phương tiện tội phạm như: Chuẩn bị xe máy để đi cướp giật, chuẩn bị dao để giết người, chuẩn bị thuốc nổ để hủy hoại tài sản, chuẩn bị xăng để đốt nhà, chuẩn thuốc mê để làm cho người có tài sản uống nhằm chiếm đoạt tài sản của họ, chuẩn bị giấy tờ giả mạo để lừa đảo.v.v…
– Loại trừ trước những trở ngại khách quan để thực hiện tội phạm được thuận lợi dễ dàng như: Ngắt cầu dao điện để đêm đột nhập vào kho trộm tài sản, cho các con đi nghỉ mát để ở nhà giết vợ được dễ dàng v.v…
Như vậy, chuẩn bị phạm tội là hành vi tạo ra tiền đề (điều kiện) cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi chuẩn bị phạm tội có một ý nghĩa rất quan trọng đến việc kết quả của việc thực hiện tội phạm, chuẩn bị càng chu đáo công phu bao nhiêu thì kết quả của việc thực hiện tội phạm càng đạt kết quả bấy nhiêu. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đốì với hành vi chuẩn bị phạm tội được Nhà nước đánh giá và phân biệt thành hai loại: Loại hành vi chuẩn bị phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và loại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù cả hai loại đều chưa gây ra hậu quả, nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi chuẩn bị phạm tội có khác nhau, và sự khác nhau đó lại không phụ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi chuẩn bị, mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà người đó định thực hiện.
Luật hình sự nước ta chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội mà tội phạm đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Nếu theo quy định này thì người chuẩn bị phạm tội do vô ý vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo lý luận thì chỉ có tội phạm được thực hiện do cố ý (cố ý trực tiếp) thì mới có giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Do đó sẽ không có hành vi chuẩn bị phạm tội mà tội phạm đó được thực hiện do vô ý.
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, thì những người chuẩn bị phạm các tội luôn luôn là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của người có hành vi chuẩn bị phạm tội không có gì khó khăn, nhưng đối với các tội vừa là tội nghiêm trọng vừa là tội ít nghiêm trọng, thì việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong một số trường hợp khó xác định. Ví dụ: Một người chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản, vì chưa thực hiên hành vi phạm tội nên chưa biết hậu quả do hành vi phạm tội xảy ra như thế nào, tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt có giá trị lớn hay không, để xác định họ phạm tội theo khoản 1 hay khoản 2 của Điều 155 Bộ luật hình sự. Nếu trong quá trình điều tra, người phạm tội nhận sẽ trộm cắp tài sản có giá trị lớn như xe ô tô, thì có thể tính ra được tài sản đó có giá trị lớn để xác định họ tội phạm theo khoản 2 Điều 155, nhưng nếu người phạm tội chỉ nhận gặp gì cũng lấy hoặc không chứng minh được người phạm tội định lấy tài sản có giá trị lớn, thì theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho người phạm tội họ được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu như họ chỉ mới chuẩn bị phạm tội. Tương tự như vậy đối với tội cố ý gây thương tích, nếu người phạm tội không khẳng định mục đích của mình là gây thương tích nặng cho người bị hại, hoặc không chứng minh là họ có mục đích gây thương tích nặng cho người bị hại, thì họ cũng được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu họ mới chuẩn bị phạm tội.
- Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Thực hiện tội phạm là đã bắt tay vào thực hiện một hoặc một số dấu hiệu thuộc hành vi khách quan của cấu thành tội phạm cụ thể. Hành vi khách quan của cấu thành tội phạm chúng tôi đã giới thiệu ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên, cần hiểu thực hiện tội phạm chỉ có thực hiện hành vi khách quan của cấu thành mà không bao gồm cả hành vi che giấu tội phạm. Sau khi tội phạm đã hoàn thành thì mọi hành vi được thực hiện sau đó có thể là hành vi cấu thành một tội phạm khác, hoặc là hành vi che giấu tội phạm, chứ không phải là hành vi thực hiện tội phạm cụ thể đang xem xét các giai đoạn thực hiện tội phạm, về vấn đề này, hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau không chỉ về lý luận mà ngay cả trong thực tiễn xét xử.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, thực hiện tội phạm bao gồm cả hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi che giấu tội phạm, chứ không chỉ là hành vi thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Bởi lẽ, khi nói một người thực hiện tội phạm tức là nói đến một hành vi phạm tội và hành vi đó bị coi là tội phạm, nếu không coi hành vi chuẩn bị phạm tội cũng là hành vi thực hiện tội phạm thì không lý giải được vì sao người có hành vi chuẩn bị phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp tội phạm đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với hành vi che giấu tội phạm sau khi tội phạm đã hoàn thành, nhưng người phạm tội có những hành vi nhằm che giấu tội phạm cũng nhằm để thực hiện tội phạm được trót lọt. Vì vậy, hiểu thực hiện tội phạm phải hiểu theo nghĩa rộng chứ không thể chỉ dừng lại ở việc thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành.
Cũng theo quan điểm này thì thực hiện tội phạm còn bao gồm cả lỗi của người phạm tội và các dấu hiệu khác có liên quan đến hành vi phạm tội. Quan điểm này, thực tiễn xét xử đã có một số trường hợp thừa nhận ở một chừng mực nhất định. Ví dụ: Điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự đối với tội giết người quy định: “Thực hiện tội phạm một cách man rợ”. Nếu hiểu thực hiện tội phạm chỉ bao gồm việc thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành, thì không lý giải được hành vi sau khi đã giết chết nạn nhân, người phạm tội mổ, moi gan, cắt chân, cắt tay, chặt đầu… chôn giấu nhiều nơi để phi tang sẽ là hành vi gì? nếu coi các hành vi trên chỉ là hành vi che giấu tội phạm thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự và điều này không phù hợp với thực tiễn xét xử. Vì vậy, phải coi hành vi che giấu tội phạm cũng là hành vi thực hiện tội phạm thì những hành vi mổ bụng, moi gan, khoét mắt, cắt chân, cắt tay, chặt đầu… nạn nhân mới coi là hành vi “thực hiện tội phạm một cách man rợ” được.
Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu xem xét hành vi thực hiện tội phạm với ý nghĩa là một đặc điểm (hành vi nguy hiểm cho xã hội) thì hiểu hành vi thực hiện tội phạm theo nghĩa rộng như quan điểm thứ nhất là chính xác. Bởi vì, tội phạm là hành vi và hành vi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội mang đầy đủ tính chất là một hành vi phạm tội kể từ giai đoạn chuẩn bị đến khi kết thúc tội phạm, tính chất nguy hiểm của hành vi trong các giai đoạn phạm tội đó phản ảnh đầy đủ các dấu hiệu khách quan và chủ quan của tội phạm. Nhưng nếu xem xét hành vi thực hiện tội phạm để xác định các giai đoạn phạm tội, thì hành vi thực hiện tội phạm không có trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội và sau khi tội phạm đã hoàn thành. Nếu không có sự phân biệt như vậy, sẽ không xác định được giai đoạn phạm tội, và như vậy sẽ không xác định được trách nhiệm hình sự đốì với người chuẩn bị phạm tội. Riêng đối với trường hợp cụ thể quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự đối với tội giết người, cần được giải thích và hướng dẫn thực hiện tội phạm là bao gồm toàn bộ các tình tiết khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, để không nhầm lẫn với việc xác định giai đoạn phạm tội, thì điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự đôi với tội giết người không nên dùng thuật ngữ “thực hiện” mà nên dùng thuật ngữ “phạm tội”. Phạm tội một cách man rợ sẽ bao hàm cả giai đoạn sau khi tội phạm đã hoàn thành gồm cả hành vi che giấu tội phạm.
Chỉ có các tội được thực hiện do cô’ ý thì mới có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Điều luật không quy định hình thức cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp, nhưng căn cứ vào điều văn của điều luật quy định “không thực hiện được đến cùng”, tức là người phạm tội có mục đích thực hiện tội phạm đến cùng, nên họ mong muốn cho hậu quả xảy ra chứ không phải để mặc cho hậu quả xảy ra. Do đó, phạm tội chưa đạt chỉ có thể xảy ra đối với trường hợp cố ý trực tiếp. Tuy nhiên, như ở phần phân tích về các hình thức lỗi, chúng tôi đã giới thiệu những quan điểm khác nhau về hình thức lỗi cố ý gián tiếp, trong đó có quan điểm cho rằng người phạm tội do cố ý giái tiếp vẫn có giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Vấn đề đặt ra là, vậy đối với các tội phạm có cấu thành hình thức có giai đoạn phạm tội chưa đạt không? Đây là vấn đề về lý luận và thực tiễn có nhiều ý kiến khác nhau:
Quan điểm chính thống cho rằng, chỉ có các tội có cấu thành vật chất thì mới có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi vì: Khi nói đến tội phạm chưa đạt là bao giờ cũng nói đến chưa đạt về hậu quả (chưa có hậu quả xảy ra), mà tội có cấu thành vật chất là tội phạm có đầy đủ các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành (hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả). Mặt khác thời điểm hoàn thành của các tội có cấu thành vật chất là khi hậu quả của tội phạm đã xảy ra.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với các tội có cấu thành hình thức cũng có một sô’ trường hợp có giai đoạn phạm tội chưa đạt, nếu cấu thành tội phạm đó có từ hai hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành, và người phạm tội mới thực hiện một hành vi thuộc mặt khách quan, nhưng vì điều kiện khách quan nên người phạm tội không thực hiện tiếp được nữa, thì cũng tức là không đạt về hành vi, tất nhiên là hậu quả sẽ không bao giờ xảy ra.
- Tội phạm hoàn thành
Khái niệm tội phạm hoàn thành chỉ có trong khoa học pháp lý về luật hình sự, để chỉ hành vi phạm tội mà theo quy định của pháp luật thì tội phạm đó đã hoàn thành. Tội phạm đã hoàn thành khi hành vi thực hiện tội phạm thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể. Theo quy định của pháp luật thì mỗi tội phạm được coi là đã hoàn thành khác nhau, căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng tội phạm và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm đó. Để nhận biết thế nào là tội phạm hoàn thành, phải căn cứ vào các dấu hiệu được nhà làm luật quy định trong từng cấu thành tội phạm cụ thể.
Khoa học luật hình sự chia cấu thành tội phạm ra làm hai loại: Cấu thành vật chất và cấu thành hình thức.
- Cấu thành vật chất
Cấu thành vật chất là cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc, tức là phải có hậu quả xảy ra thì tội phạm mới được coi là hoàn thành, nếu hậu quả chưa xảy ra thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc còn ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.’ Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự là tội cấu thành vật chất, người phạm tội phải thực hiện hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành như: Lén lút, chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt được tài sản thì mới coi là tội phạm đã hoàn thành, nếu người phạm tội mới thực hiện hành vi lén lút hoặc đã thực hiện cả hành vi lén lút và đã có hành vi chiếm đoạt, nhưng chưa chiếm được tài sản, tức là chưa có hậu quả xảy ra thì chưa coi là phạm tội trộm cắp đã hoàn thành, mà chỉ coi là phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, sau khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản nhưng vì một lý do nào đó người phạm tội không giữ được tài sản, thì không có nghĩa là hậu quả của tội phạm chưa xảy ra và tội phạm mà người đó thực hiện chưa hoàn thành.
Ví dụ: A cậy cửa vào kho của cơ quan lấy trộm một máy vi tính đem cất giấu, nhưng lại bị người khác lấy mất, hoặc A lẻn vào nhà người khác lấy trộm một ti vi nhưng bị chủ nhà phát hiện đuổi bắt, A phải bỏ ti vi để chạy thoát thân, chủ nhà lấy lại được chiếc ti vi đó cũng coi là đã có hậu quả xảy ra, và tội trộm cắp mà A thực hiện được coi là đã hoàn thành nhưng chưa kết thúc.
- Cấu thành hình thức
Cấu thành hình thức là cấu thành tội phạm không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm cụ thể, mà chỉ quy định hành vi là dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm. Cấu thành hình thức còn gọi là cấu thành “cắt xén”, tức là người phạm tội mới thực hiện hành vi khách quan của cấu thành tội phạm cụ thể là tội phạm đã hoàn thành, không cần có hậu quả xảy ra hay không. Nếu hậu quả thực tế đã xảy ra thì chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt (bao gồm cả tình tiết định khung hình phạt). Ví dụ: A dùng dao khống chế buộc B phải giao xe máy cho mình, nhưng B chống cự quyết liệt nên A không chiếm đoạt được xe máy của B thì tội phạm (tội cướp tài sản) do A thực hiện vẫn bị coi là đã hoàn thành. Nhà làm luật quy định tội phạm nào là tội phạm có cấu thành hình thức là xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng và chống đối với tội phạm đó. Hầu hết các tội phạm có cấu thành hình thức đều là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Thông thường, để xác định một tội phạm mà nhà làm luật quy định là cấu thành hình thức, trong điều văn của điều luật thường có từ “nhằm” như: nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhằm chống chính quyền nhân dân; nhằm chiếm đoạt tài sản; nhằm bán lại thu lời bất chính; nhằm phổ biến. v.v…
Tuy nhiên, có một số tội phạm nhà làm luật không dùng từ “nhằm” trong điều văn của điều luật, nhưng cũng phải hiểu đó là tội phạm có cấu thành hình thức. Ví dụ: Tội gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự, điều văn của điều luật quy định một số hành vi khách quan nhưng không dùng từ “nhằm”, nhưng chúng ta phải hiểu rằng những hành vi đó đã nhằm chống lại chế độ, chống lại Nhà nước.
Việc xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm có một ý nghĩa rất lớn về lý luận cũng như thực tiễn khi phải xác định những trường hợp phạm tội đặc biệt như: xác định đồng phạm, xác định phòng vệ chính đáng, xác định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. v.v…
- Tội phạm kết thúc
Khi nói tội phạm hoàn thành là hoàn thành về mặt pháp lý, tức là người phạm tội thực hiện hành vi, đã thoả mãn hết những dấu hiệu cấu thành phạm tội. Khi tội phạm đã hoàn thành về mặt pháp lý, tội phạm có thể dừng lại nhưng có thể vẫn tiếp tục xảy ra. Khi tội phạm dừng lại không còn xảy ra nữa khoa học pháp lý gọi là tội phạm kết thúc. Thông thường đối với các tội phạm có cấu thành vật chất, tội phạm ở thời điểm hoàn thành cũng là lúc tội phạm kết thúc. Tuy nhiên đối với các tội phạm có cấu thành hình thức, mặc dù tội phạm đã hoàn thành nhưng nếu không có gì ngăn cản, thì người phạm tội vẫn tiếp tục thực hiện những hành vi cần thiết để tội phạm tiếp tục xảy ra cho đến khi thực hiện được như ý muốn của mình.
Tuy nhiên, không phải bao giờ tội phạm kết thúc cũng xảy ra sau khi tội phạm đã hoàn thành, mà trong một số’ trường hợp tội phạm kết thúc ngay trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoăc phạm tội chưa đạt. Tội phạm kết thúc ở các giai đoạn này là vì có những trở ngại khách quan mà người phạm tội không tiếp tục thực hiện được tội phạm nữa, nên tội phạm kết thúc ngoài ý muốn của người phạm tội.
Tội phạm kết thúc không phải là giai đoạn thực hiện tội phạm, nhưng nghiên cứu khái niệm tội phạm kết thúc có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn khi cần phải xác định một sô’ trường hợp như: Xác định những người đồng phạm trong vụ án có đồng phạm, xác định hành vi sau khi tội phạm đã hoàn thành có cấu thành tội phạm khác hay không. Riêng đối với tội phạm có cấu thành hình thức, việc xác định thời điểm tội phạm kết thúc còn có ý nghĩa trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Đọc thêm:
Các trường hợp được miễn, tạm hoãn nghĩa vụ quân sự năm 2021;
Điều kiện được xuất ngũ và Xuất ngũ được hưởng chế độ như thế nào?
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long về một số quy định pháp luật giải đáp vấn đề nêu trên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!