Hỏi: Thưa Luật sư: Năm 2018, bố tôi qua đời và để lại cho tôi một mảnh đất có diện tích 60 m2 tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, đó cũng là tài sản riêng duy nhất của ông. Lúc ông hấp hối, hai chị ruột của tôi đều có mặt, ông nói muốn để lại cho tôi mảnh đất này vì hai chị của tôi đều đã lấy chồng xa, có nhà cửa đàng hoàng còn tôi hiện vẫn chưa có gì. Hai chị không có ý kiến gì và nhất trí với quyết định của bố tôi.
Tới nay, tôi muốn bán mảnh đất trên để chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng hai chị của tôi nhất quyết không đồng ý và nói rằng sẽ kiện tôi nếu tôi bán mảnh đất trên đi bởi hai chị cũng có quyền thừa kế tài sản của bố tôi và được quyền đòi đất.
Mẹ tôi đã mất từ lâu nên không thể làm chủ cho tôi, tuy nhiên khi bố tôi hấp hối, ngoài hai chị tôi thì hai bác của tôi cũng có mặt tại đó và có thể làm chứng cho việc bố muốn để lại toàn bộ thửa đất trên cho tôi.
Luật sư cho tôi hỏi, hai chị của tôi có được quyền đòi đất không ?
Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Bạch Long. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015
2. Nội dung tư vấn
Theo quy định tại Điều 629 và Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc miệng hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau:
“Điều 629. Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Điều 630. Di chúc hợp pháp
….
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”
Người làm chứng di chúc miệng không được thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015 sau đây:
“Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”
Như vậy, trong trường hợp một người ra đi quá đột ngột và không thể lập di chúc bằng văn bản. Việc lập di chúc bằng miệng được pháp luật ghi nhận. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng, hai người làm chứng phải ghi chép lại, cùng kí tên, điểm chỉ vào văn bản trên, đồng thời trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Bố bạn qua đời từ năm 2018, tới nay là hơn hai năm. Hai bác bạn có mặt tại thời điểm bố bạn qua đời nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 632 Bộ luật dân sự 2015 thì hai bác bạn hoàn toàn có quyền làm chứng cho việc lập di chúc. Trong câu hỏi của bạn không nêu rõ, việc làm chứng này đã được lập thành văn bản và công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền hay chưa.
Trường hợp trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày bố bạn qua đời, hai bác bạn đã ghi chép lại di ngôn của bố bạn, cùng kí tên, điểm chỉ vào văn bản đó và tới văn phòng công chứng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ kí hoặc điểm chỉ, thì văn bản ghi chép di chúc miệng được coi là hợp pháp. Theo đó, bạn có toàn quyền thừa kế đối với mảnh đất trên và hai chị của bạn không có quyền đòi quyền sử dụng đất.
Trường hợp quá thời hạn trên mà hai bác bạn không lập văn bản ghi chép lại di ngôn của bố bạn, cùng kí tên, điểm chỉ thì di chúc miệng của bố bạn được coi là không hợp pháp.
Vì di chúc không hợp pháp nên phần tài sản mà người chết để lại sẽ được chia theo pháp luật. Quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
….”
Theo đó, những người được hưởng thừa kế theo pháp luật bao gồm:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Căn cứ vào Điều 650 và 651 Bộ luật dân sự năm 2015, hai chị bạn có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật và bạn chỉ được hưởng một phần quyền sử dụng đất.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.
Công ty Luật TNHH Bạch Long
LS.Long Xuân Thi: 0975.866.929
LS. Đàm Văn Vương: 097.598.1094
Email: luatbachlong@gmail.com