Ủy quyền là một trong những biện pháp giúp người không thể tự mình thực hiện giao dịch, hợp đồng, công việc. Vậy trong việc ly hôn thì có được ủy quyền không? Nộp đơn ly hôn tại Tòa có được ủy quyền không? Luật Bạch Long xin chia sẻ với Quý bạn đọc thông qua bài viết sau:
1. Vợ, chồng phải nộp đơn ly hôn ở đâu?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quan hệ vợ chồng chỉ thật sự chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa. Do đó, khi ly hôn, hai vợ chồng phải thực hiện xong thủ tục tại Tòa án và nhận được bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa.
Bởi vậy, có thể thấy, thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án nhân dân. Nếu là công dân Việt Nam ly hôn với nhau thì thực hiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bị đơn (nếu ly hôn đơn phương) hoặc theo thỏa thuận của hai vợ chồng (ly hôn thuận tình) theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Do đó, khi ly hôn, vợ, chồng phải nộp đơn ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền tùy vào từng trường hợp ly hôn đơn phương hay thuận tình.
2. Có được ủy quyền cho luật sư giải quyết ly hôn?
Khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ, riêng việc ly hôn thì các đương sự không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình thì sẽ là người đại diện:
Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Do đó, trừ trường hợp vợ, chồng bị tâm thần hoặc mắc bệnh không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác sẽ trở thành người đại diện còn lại tất cả các trường hợp khác, vợ, chồng không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trong giải quyết ly hôn.
Đồng nghĩa, chỉ có một trường hợp người khác được làm người đại diện (cha, mẹ hoặc người thân tích khác) còn lại, vợ chồng đều phải tự mình tham gia tố tụng khi giải quyết ly hôn tại Tòa.
Như vậy, việc ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng trong việc ly hôn không được thực hiện như các vụ việc hoặc vụ án khác bởi việc tham gia tố tụng trong ly hôn không được ủy quyền.
3. Nhờ người nộp đơn ly hôn hộ được không?
Như phân tích ở trên, hiện nay, pháp luật không cho phép vợ chồng ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trong việc giải quyết ly hôn dù là đơn phương hay thuận tình.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, pháp luật chỉ cấm việc ủy quyền tham gia tố tụng mà những vấn đề xung quanh việc ly hôn thì pháp luật không cấm. Trong đó có nộp đơn ly hôn.
Do đó, khi ly hôn, vợ, chồng hoàn toàn có thể nhờ người khác nộp đơn ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ vợ chồng cũng như giải quyết việc cấp dưỡng, chia tài sản (nếu có).
Ngoài ra, bên cạnh việc trực tiếp nộp đơn ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền và ủy quyền cho người khác nộp đơn, thực tế, vợ, chồng có thể nộp đơn ly hôn thông qua dịch vụ bưu chính. Quy định này được nêu tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2019.
Như vậy, vợ, chồng có thể ủy quyền cho người khác nộp hộ đơn ly hôn hoặc nộp trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền.
Đọc thêm:
Trường hợp nào không được ủy quyền theo quy định mới nhất ?;
Người vợ khi mang thai có được quyền yêu cầu ly hôn không?;
Thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài
Trên đây là một số chia sẻ của Luật Bạch Long. Nếu bạn vẫn đang có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hãy liên hệ cho chúng tôi để được giải đáp.
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác! |