Câu hỏi:
Xin chào Luật sư, bố mẹ tôi được ông bà tặng cho quyền sử dụng đất bằng miệng từ năm 1988 nhưng không có văn bản gì, bố mẹ tôi đã xây dựng nhà vào năm 1990 và quản lý, sử dụng ổn định, sau đó được UBND cấp huyện cấp GCN quyền sử dụng đất vào năm 1998. Hiện tại ông bà tôi đã mất, bác tôi yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần đất nêu trên thì có phù hợp không?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, nội dung câu hỏi của bạn đã được chuyên gia nghiên cứu chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
- Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Dân sự năm 1995;
– Luật Đất đai năm 1993;
– Án lệ số 03/2016/AL được HĐTP TAND tối cao thông qua vào ngày 06/4/2016;
– Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
- Nội dung tư vấn:
Trường hợp của anh thì bố mẹ anh đã được tặng cho đất bằng miệng theo đó sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp với ai. Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không ai có ý kiến phản đối gì đối với việc này.
Ngày 06/04/2016, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã thông qua Án lệ số 03/2016/AL với nội dung cơ bản như sau:
“Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.
Căn cứ vào Án lệ nêu trên, đối với những trường hợp cha mẹ đã tặng cho con một diện tích đất đai nhưng không có hợp đồng tặng cho, không thực hiện các thủ tục công chứng, chứng thực theo đúng quy định của pháp luật đất đai nhưng nếu đáp ứng đủ các tình tiết kể trên thì Toà án vẫn công nhận hợp đồng tặng cho.
Việc áp dụng án lệ như trên phải tuân thủ theo những nguyên tắc quy định tại Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Cụ thể:
“Điều 8. Áp dụng án lệ trong xét xử
- Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
- Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.”
Như vậy, để Án lệ số 03 được áp dụng vào thực tiễn, vụ việc được áp dụng phải có những tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự nhau như:
– Người nhận tặng cho đã xây dựng nhà kiên cố trên đất để ở.
– Không có sự phản đối tại thời điểm xây nhà.
– Việc sử dụng nhà đất công khai, liên tục, ổn định và được cấp GCNQSDĐ.
Nếu những vụ việc thiếu một trong các tình tiết nêu trên, nếu phát sinh tranh chấp thì Toà án không công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất sẽ trở thành di sản thừa kế và được chia theo di chúc hoặc pháp luật.
Do đó, vụ việc của gia đình anh đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Án lệ số 03/2016/AL, theo đó, việc tặng cho giữa ông bà anh và bố mẹ anh phải được công nhận. Bác anh yêu cầu phân chia di sản thừa kế là không phù hợp.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.
Trân trọng!