Hiện nay, dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng có một hệ thống pháp luật để điều chỉnh và cân bằng các mối quan hệ xã hội cũng như quản lý nhà nước. Mọi người đều sống và làm việc theo pháp luật, mọi công dân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, giới tính, giai cấp xã hội đều bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay, có nhiều vấn đề nảy sinh cũng như nhiều tổ chức kinh doanh cần đến sự trợ giúp pháp luật của những người hành nghề luật để giảm thiểu những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình hoặc những vướng mắc pháp lý cần được giải đáp Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và hiểu hết để thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước đòi hỏi cần bộ phận chuyên môn để tư vấn pháp luật và giải thích pháp luật. Vậy ai là những người được thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật? Điều kiện để hành nghề tư vấn pháp luật là gì và tại sao pháp luật lại quy định như vậy? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Bạch Long xin gửi tới quý vị một số ý kiến về “Điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật là gì và Tại sao pháp luật quy định những điều kiện đó”
ĐỌC THÊM:
Những trường hợp nào bản dịch không được công chứng?
Công chứng hợp đồng mua bán đất sau khi bên bán đã chết, có vi phạm?
Từ tháng 5/2021, nhiều chính sách bảo hiểm, giáo dục mới có hiệu lực
- Các điều kiện để hành nghề tư vấn pháp luật và tại sao pháp luật lại quy định như vậy.
Theo điều 18 Nghị định 77/2008 NĐ-CP có quy định những người thực hiện tư vấn pháp luật gồm những người như sau: “1. Tư vấn viên pháp luật; 2. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; 3. Cộng tác viên tư vấn pháp luật.”
1. Đối với Tư vấn viên pháp luật.
Tư vấn viên pháp luật là người làm tại trung tâm tư vấn pháp luật và phải đầy đủ những điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; Có Bằng cử nhân luật; Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên; ( Điều 19 Nghị định 77/2008 NĐ-CP ). Công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân không được là Tư vấn viên pháp luật.
Sở dĩ pháp luật quy định như vậy thì ta phải hiểu về hai khía cạnh: Thứ nhất phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực hành vi dân sự được định nghĩa trong Bộ luật Dân sự 2015 là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. ngược lại nếu người không có đủ năng lực hành vi dân sự, ví dụ như người bị bệnh về tâm thần, khi này người Tư vấn viên pháp luật không thể đưa ra được lời tư vấn đúng đắn cho người yêu cầu tư vấn được. Việc quy định về bằng cử nhân luật và có thời gian thực tập ít nhất là 3 năm cũng để đảm bảo tối đa chất lượng của tư vấn viên từ đó bảo vệ quyền lợi tốt nhất quyền và nghĩa vụ của cả 2 bên.
2. Đối với Cộng tác viên tư vấn pháp luật.
Điều 18 Thông tư 01/2010/ TT – BTP quy định rõ các điều kiện để làm Cộng tác viên tư vấn pháp luật như sau: “Phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được làm cộng tác viên tư vấn pháp luật: “a) Người có bằng cử nhân luật hoặc người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; b) Người đã hoặc đang đảm nhiệm các chức danh như luật sư, công chứng viên, trọng tài viên và các chức danh tư pháp khác.”
Những người sau đây thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi: “Người có bằng trung cấp luật; Người có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên gồm: Cán sự pháp lý làm việc trong ngành Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang; hội thẩm nhân dân; người công tác trong các ngành khác có hiểu biết pháp luật; Thành viên tổ hòa giải; thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; già làng; trưởng bản, trưởng thôn, xóm, ấp, sóc, bon; trưởng các dòng họ; đại diện tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cơ sở là người có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng.”
Cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật theo hợp đồng cộng tác viên được ký kết giữa Trung tâm tư vấn pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật cho nên hầu như cộng tác viên pháp luật có những yêu cầu ít khắt khe hơn so với Luật sư hay Tư vấn viên pháp luật, vì tính chất công việc của họ là làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Điều 22 Nghị định 77/2008 NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên tư vấn pháp luật có nêu ra là cộng tác viên tư vấn pháp luật phải tuân thủ theo các quy định của công ty chủ quản, như vậy cho nên yêu cầu cho vị trí này không khắt khe cho lắm.
3. Đối với Luật Sư.
Tiêu chuẩn là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. Điều kiện để hành nghề phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một đoàn luật sư (Điều 10, Điều 11, Luật Luật sư số số 65/2006/QH11 ).
Với sự ra đời Luật Luật sư 2006, đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động hành nghề của các luật sư nhằm góp phần đắc lực hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ công lý, hội nhập và phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Luật Luật sư không chỉ nâng cao vị thế, vai trò của người luật sư trong xã hội, mà còn đưa luật sư của nước ta từng bước lên ngang tầm với luật sư của các nước trên thế giới và trong khu vực. Luật đã xóa bỏ phân biệt, luật sư nước ngoài cũng sẽ được đứng chung vào hàng ngũ của tổ chức luật sư toàn quốc ở Việt Nam. Đây đồng thời là thử thách và là cơ hội cho luật sư Việt Nam phát triển vững mạnh và hội nhập. Với quy định bắt buộc Luật sư phải gia nhập đoàn luật sư thì mới có thể hành nghề luật sư xuất phát từ định nghĩa. Đoàn luật sư là Tổ chức nghề nghiệp của các luật sư được thành lập và hoạt động theo luật quy định ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Đoàn luật sư tập hợp, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động, trau dồi đạo đức nghề nghiệp luật sư, bênh vực quyền lợi của luật sư, xử lí hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí các việc vi phạm của thành viên. Đoàn có các tổ chức do các thành viên bầu ra theo nhiệm kì để điều hành công việc của đoàn và thay mặt đoàn. Vì vậy pháp luật đi thành quy định phải gia nhập 1 đoàn luật sư là điều kiện bắt buộc để hành nghề Luật sư, bản chất Luật sư sẽ đứng ngang hàng với viện kiểm sát ở một phiên toà để tranh tụng cho thấy tầm quan trọng của Luật sư trong hệ thống tư pháp của Việt Nam nên họ cũng cần một tổ chức để đứng ra quản lý như bao ngành nghề khác.
Một phần Có những luật sư hiểu biết khá tổng quát về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. VD như kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, thể thao, công nghệ, khoa học kỹ thuật, sinh học, môi trường, lịch sử, khí tượng, viễn thông, nghệ thuật, điện ảnh… Đa phần luật sư khi hành nghề chỉ chuyên sau một mảng lĩnh vực pháp lý nào đó. VD như dân sự, hình sự, thương mại, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, hôn nhân gia đình, vị thành niên, luật quốc tế… Vì thế nếu là một tổ chức hành nghề luật chuyên nghiệp, khi khách hàng cần trợ giúp pháp lý thuộc mảng nào đó, thì tổ chức luật sư sẽ phân công luật sư chuyên trách đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
4. Đối với trợ giúp viên pháp lý.
Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý: “1. Có phẩm chất đạo đức tốt; 2. Có trình độ cử nhân luật trở lên; 3. Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; 4. Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; 5. Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.”
Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức đa dạng, phong phú, cụ thể là: Tư vấn pháp luật; Tham gia tố tụng; Đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; Thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác.
Khi tham gia tố tụng ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Trợ giúp viên pháp lý phải thực hiện các phương pháp nghiên cứu hồ sơ theo nguyên tắc toàn diện và đầy đủ, nắm vững hồ sơ một cách đầy đủ đồng thời luận cứ bào chữa phải dựa trên những căn cứ được phản ảnh trong hồ sơ kết hợp các yếu tố pháp lý và yếu tố tâm lý để có cơ sở đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, ở giai đoạn tham gia tố tụng này người Trợ giúp viên pháp lý còn phải thực hiện rất rất nhiều kỹ năng khác nhau như: Theo dõi luận tội, xét hỏi và tranh luận để phát hiện những vấn đề pháp lý phát sinh mới và có hướng đề xuất kịp thời.
Trợ giúp viên pháp lý còn được cử về cơ sở hướng dẫn cho các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại địa phương để thực hiện các nhiệm vụ như hướng dẫn cách thức, nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, giúp thường xuyên cung cấp, cập nhật văn bản pháp luật cùng tài liệu liên quan cho đội ngũ cộng tác viên, trực tiếp tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, giáo dục và truyền thông pháp luật.
Với những quy định này về vị trí pháp lý, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người trợ giúp viên pháp lý trong chế định luật trợ giúp pháp lý sẽ là hành lang, cơ sở pháp lý quan trọng để khi trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý phát huy thực hiện nhiệm vụ.
Trên đây là những ý kiến của Luật Bạch Long về vấn đề “Điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật là gì và Tại sao pháp luật quy định những điều kiện đó”, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!