Từ xa xưa tới nay trong sự phát triển nhanh chóng của thế giới, tranh chấp đất đai là điều không thể tránh khỏi, chúng ta thường có câu “tấc đất tấc vàng”. Trong quá trình lao động sản xuất những mâu thuẫn quan hệ đất đai về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều bên có nhiều cách giải quyết. Nhưng ưu tiên và hợp lý hàng đầu vẫn là biện pháp hoà giải, qua các văn bản Luật đất đai 1993, 2003, 2013 đã có sự sửa đổi và bổ xung và khắc phục khiếm khuyết. Luật Bạch Long nhận thấy rằng, trong thực tế thi hành hoà giải tranh chấp đất đai đã có những hiệu quả nhất định nhưng bên cạnh đó vẫn có những tồn tại cần khắc phục, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này để hiểu rõ hơn.
ĐỌC THÊM:
Giải quyết tranh chấp đất đai ở đâu
Những điều cần biết trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai
Bổ sung một số diện người trong Hội đồng Hòa Giải Tranh chấp đất đai
I. Khái niệm, đặc điểm, các dạng của tranh chấp đất đai
1.Khái niệm tranh chấp đất đai.
Có thể hiểu tranh chấp đất đai theo nghĩa rộng là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. Trên thực tế tranh chấp đất đai được hiểu là sự tranh chấp về quyền quản lý, quyền sử dụng xung quanh một khu đất cụ thể mà mỗi bên đều cho rằng mình phải được quyền đó do pháp luật quy định và bảo hộ. Vì vậy, họ không thể cùng nhau tự giải quyết các tranh chấp đó mà phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phân xử (giải quyết).
2. Đặc điểm của tranh chấp đất đai
Thứ nhất, đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lí, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại đất tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các biện pháp tranh chấp.
Thứ hai, các chủ thể của tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lí và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai.
Thứ ba, tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng tới lợi ích của Nhà nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Tranh chấp đất đai xảy ra sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý, tinh thần của các bên, gây nên tình trạng bất ổn định, bất đồng trong nội bộ nhân dân, làm cho những quy định của pháp luật đất đai cũng như những chính sách của Nhà nước không được thực hiện một các triệt để.
3. Các dạng của tranh chấp đất đai.
Thứ nhất, tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Thứ hai, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất .
Thứ ba là tranh chấp về mục đích sử dụng đất.
Nhiều khi thì tranh chấp về quyền sử dụng đất dẫn đến những tranh chấp về địa giới hành chính. Loại tranh chấp này thường xảy ra giữa hai tỉnh, hai huyện, hai xã với nhau, tập trung ở những nơi có nguồn lâm thổ sản quý. Có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, ở vị trí dọc theo các miền sông lớn, những vùng có địa giới không rõ ràng, không có mốc giới nhưng là vị trí có tầm quan trọng.
II. Hoà giải tranh chấp đất đai.
1. Khái niệm hoà giải tranh chấp đất đai
Hoà giải tranh chấp đất đai là biện pháp mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả nhằm giúp cho các bên tranh chấp tìm ra giải pháp thống nhất để tháo gỡ những mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ pháp luật đất đai trên cơ sở tự nguyện, tự thoả thuận.
2. Đặc điểm của hoà giải tranh chấp đất đai.
Thứ nhất, việc hòa giải tranh chấp đất đai không chỉ dựa trên quan điểm, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mà còn áp dụng phong tục tập quán truyền thống, hương ước, quy ước, luật tục của địa phương,… để vận động thuyết phục các bên tranh chấp hoà giải bất đồng, mẫu thuẫn về đất đai bởi đất đai gắn liền và liên hệ mật thiết tới những yếu tố lịch sử, quá trình thay đổi và phát triển của pháp luật về quản lý nhà nước đối với đất đai.
Thứ hai, việc hòa giải tranh chấp đất đai phải tiến hành vận động, tuyên truyền, thuyết phục các bên một cách kiên trì, bền bỉ, liên tục và tốn nhiều thời gian công sức của người hoà giải mới mong đạt được thành công bởi đất đai là tài sản có giá trị lớn, chứa đựng những yếu tố chính trị, xã hội, lịch sử và kinh tế.
Thứ ba, hoà giải tranh chấp đất đai cần phải thực hiện kịp thời nhanh chóng, các tổ chức cá nhân thực hiện vai trò hoà giải tranh chấp đất đai phải luôn luôn chủ động và thực hiện đúng theo quy trình và thủ tục đặc biệt là đúng thời hạn theo luật định.
Thứ tư, đây không chỉ là nghĩa vụ của các cơ quan có thẩm quyền mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Theo đó sự minh bạch công khai, công, bằng, dân chủ và khách quan là điều không thể thiếu.
Thứ năm, người tiến hành hòa giải phải khách quan, công minh, đảm bảo sự công bằng, không thiên vị, không áp đặt các bên đương sự trong việc hòa giải tranh chấp đất đai.
Thứ sáu, tôn trọng sự bí mật thông tin đời tư cho các bên tranh chấp, tôn trọng quyền lợi ích hợp pháp của người khác. Không vi phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
Thứ bảy, người hoà giải viên phải nắm bắt được tâm lý “thắng – thua” nhằm đưa ra những liệu pháp hiệu quả trong hòa giải tranh chấp đất đai.
3. Các hình thức hòa giải tranh chấp đất đai.
Theo pháp luật hiện hành quy định thì có hai dạng hoà giải tranh chấp đất đai đó là hoà giải trong tố tụng tư pháp và hoà giải ngoài tố tụng tư pháp.
Hoà giải ngoài tố tụng tư pháp gồm có:
+ Hoà giải của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp đối với các tranh chấp về đất đai theo quy định của Luật đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.
Trên thực tế còn các hình thức hòa giải như:
+ Tự tổ chức hòa giải ở thôn, ấp, xóm, tổ dân phố.
+ Tự tổ chức hòa giải do các bên tự thương lượng tiến hành.
Hoà giải trong tố tụng tư pháp là hòa giải tiến hành tại tòa án nhân dân khi cơ quan này giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Trên thực tế còn có hoà giải tại các cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp tranh chấp mà người sử dụng không có bất kỳ giấy tờ gì về đất đã tổ chức hòa giải ở UBND xã, phường, thị trấn không thành và đương sự lựa chọn hệ thống UBND để giải quyết tranh chấp mà không chọn toà án.
III. Tại sao pháp luật đất đai hiện hành lại quy định cơ chế hoà giải tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn khi có tranh chấp đất đai xảy ra là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện?.
Thứ nhất khi xảy ra tranh chấp đất đai thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là nơi quản lý trực tiếp hồ sơ địa chính đối với mảnh đất có tranh chấp, với những điều kiện về địa lý, nghĩa vụ, quyền hạn của mình, Khoản 3 Điều 23 Luật đất đai 2013 “Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại luật này”. Đây cũng là nơi các thông tin về chủ thể, về mục đích, về nguồn gốc và diễn biến của quá trình sử dụng đất, quá trình biến động đất đai qua các thời kỳ được xác định cụ thể và trực tiếp nhất. Khi tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai thì đã có sự tự nguyện của các bên không có sự áp đặt ý chí từ đó các bên tranh chấp nhận diện vấn đề một cách cụ thể và thấu đáo hơn cùng sự tham gia của hội đồng hòa giải để tự mình đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc, Điều 25 Luật đất đai 2013 “Xã, phường, thị trấn có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật Cán bộ công chức”. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương. Bởi vậy Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thích hợp là trung gian để hoà giải.
Thứ hai vừa phù hợp với chính sách, pháp luật Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục tập quán của nhân dân. Nhân dân ta vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và sống có tình làng nghĩa xóm. Phương pháp này góp phần tăng tính đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau tránh tình trạng mất đoàn kết vì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là những người trực tiếp sinh sống ở địa phương, họ sẽ hiểu được người dân nghĩ gì từ đó đưa ra những đối sách hợp tình hợp nghĩa theo pháp luật và đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.
Mặt khác khi xảy ra tranh chấp đất đai thì việc khởi kiện ra toà án cũng gây sự khó khăn và không hiệu quả. Giả sử trong trường hợp không có giấy tờ thì toà án khó có thể xác định được rõ ràng căn nguyên vụ việc, không biết bên này lấn của bên kia bao nhiêu đất,… khi đó lại phải nhờ tới những công chức địa chính tại xã, phường, thị trấn. Đồng thời mang tính quy trình đúng như tiêu chí hoạt động của nhà nước Việt Nam, thông qua Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì toà án hiểu rõ và cặn kẽ hơn về vụ việc tranh chấp nếu khi giải quyết được ở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn rồi thì càng tốt, lại càng giảm tải được cho toà án đang bị quá tải.
Tranh chấp đất đai là loại hình tranh chấp đa dạng về tính chất và mục đích, phong phú về loại hình và có xu hướng ngày càng phức tạp. Nếu việc giải quyết tranh chấp không được giải quyết triệt để, dứt điểm, công bằng và khách quan, chúng có tác động và ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, xã hội, tới Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai. Nhận thấy sự tác động và ảnh hưởng đó, pháp luật đất đai, coi đây là phương thức giải quyết có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, pháp luật đất đai và pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đều ghi nhận hòa giải là phương thức và là bắt buộc đối với cả trong và ngoài tố tụng và coi đây là phương thức ưu tiên hàng đầu trong tiến trình giải quyết tranh chấp đất đai.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!