Gần đây, thông tin về thu nhập khủng từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên nền tảng Youtube, Facebook, Google khiến nhiều người quan tâm. Vậy họ đóng thuế như thế nào theo quy định của pháp luật. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Thực trạng việc đóng thuế đối với nguồn thu nhập từ Youtube, Facebook, Google
Tại Việt Nam, chúng ta có thể kể tên một vài cá nhân đóng thuế hàng chục tỷ đồng như:
– Cô gái 9X có thu nhập 330 tỉ nhờ sáng tác nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store kê khai và nộp 23,4 tỉ đồng tiền thuế. Hay một nam thanh niên thường trú tại Hà Nội cũng tự nguyện nộp 18,1 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân sau khi nhận thu nhập 260 tỉ đồng từ viết phần mềm (Theo Tuổi trẻ).
– Trong năm 2020, kênh youtube đứng đầu Top 10 nhà sáng tạo YouTube nổi bật nhất năm 2020 của Việt Nam thu về 3,35 – 53 tỉ đồng, số thuế dự tính phải nộp là khoảng 3,7 tỷ đồng (Theo Thanh niên).
Tuy nhiên như Báo Thanh niên dẫn thông tin từ Tổng cục Thuế, dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức đã nhận được số tiền từ Google, Facebook, YouTube là 1.462 tỉ đồng. Tuy nhiên Cục Thuế Hà Nội trong 3 năm (2017 – 2019) chỉ xác định được 1.100 cá nhân (Quá ít so với con số 18.304 cá nhận được tiền từ Google, Facebook, YouTube).
Hay, Bộ TTTT cho biết, Ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền; tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam. Có nghĩa cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5000 kênh trên tổng 15.000 kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc các cá nhân tự chủ động đóng thuế.
Như vậy, có thể thấy tổng số thuế mà các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, Youtube đã nộp đang thấp hơn rất nhiều so vơí tổng số thuế theo nghĩa vụ phải nộp.
Quy định về việc đóng thuế thu nhập từ Youtube, Facebook, Google tại Việt Nam
Nghĩa vụ kê khai thuế
Theo c Khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý thuế thì:
– Đối với các cá nhân ký hợp đồng với những công ty đối tác của Google, Facebook… tại Việt Nam sẽ không tự kê khai thuế như trước đây mà tổ chức sẽ kê khai và nộp thay.
– Đối với cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Facebook… thì cá nhân có nghĩa vụ tự khai thuế.
– Đối với doanh nghiệp có doanh thu từ Google, Facebook… thì khai thuế theo quy định về thuế TNDN.
Thuế suất thuế thu nhập từ Youtube, Facebook, Google
– Đối với doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp nhận được doanh thu từ các nền tảng thì phải kê khai và đóng thuế TNDN và thuế GTGT với mức thuế TNDN là 20% (Tổng doanh thu- chi phí) và 10% thuế GTGT theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 và Điều 8 Luật thuế GTGT 2008.
– Đối với cá nhân có thu nhập từ Youtube, Facebook, Google
Theo quy định tại Điều 1 và phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính:
+ Các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, Youtube… dưới 100 triệu/năm thì không phải nộp thuế TNCN, thuế GTGT.
+ Các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế với mức thuế suất 5% thuế GTGT/doanh thu tính thuế và 2% thuế TNCN/Doanh thu tính thuế.
Trong đó doanh thu tính thuế là số tiền nhận trực tiếp từ Youtube hoặc số tiền nhận từ đối tác là các mạng đa kênh (đối tác của Youtube tại Việt Nam) mà không được trừ chi phí trước khi tính thuế do không phải là doanh nghiệp.
Chính sách thuế mới của Youtube đối với Youtuber bên ngoài nước Mỹ
Mới đây, Google có thông báo về việc tất cả những người sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên Youtube, bất kể đang sống ở đâu trên thế giới, đều cần phải cung cấp thông tin thuế. Mức đánh thuế từ thu nhập của các Youtuber sẽ dựa vào nhiều yếu tố. Đối với những Youtuber sống bên ngoài nước Mỹ, nếu khai báo thông tin thuế trước ngày 31/5/2021, họ sẽ phải chịu mức thuế 30% cho các doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Trong khi đó, nếu không nộp khai báo thuế, Youtuber sẽ bị đánh thuế 24% đối với doanh thu đến từ người xem ở mọi quốc gia.
Đại diện của Youtube giải thích rằng, Youtube phải điều chỉnh chính sách để phù hợp với quy định của Luật thuế tại Mỹ. Luật thuế của Mỹ có quy định Google bắt buộc phải khấu trừ thuế khi người sáng tạo nội dung không ở Mỹ, nhưng kiếm được thu nhập từ người xem tại Mỹ.
Với chính sách mới này, một câu hỏi được rất nhiều Youtuber tại Việt Nam quan tâm, liệu thu nhập của họ có bị ảnh hưởng? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ một số quy định.
Theo pháp luật Việt Nam, như đã đề cập ở trên, cá nhân sẽ bị đánh thuế 7% trên tổng doanh thu (nó đã bao gồm 5% thuế GTGT + 2 % thuế thu nhập cá nhân).
Theo quy định tại Mỹ, sắp tới, thì việc khấu trừ trực tiếp 30% thu nhập từ lượt xem tại Mỹ là chính sách thuế của nước này.
Vậy Khoản thu nhập đã bị đánh thuế tại Mỹ có bị đánh thuế lần 2 tại Việt Nam không?
Theo Khoản 3 Điều 1 của Hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì:
– Đối với Vệt Nam: người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì về Việt Nam sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam.
– Đối với Mỹ: chỉ có nhà đầu tư, quỹ đầu tư Mỹ khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho nước Mỹ.
Trên đây là tổng hợp của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com