Trợ cấp thôi việc là một khoản tiền được doanh nghiệp trả cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy những người lao động nước ngoài có được nhận loại trợ cấp này khi nghỉ việc không? Luật Bạch Long xin chia sẻ vấn đề này với Quý bạn đọc thông qua bài viết sau:
1. Nghỉ việc, lao động nước ngoài có được trả trợ cấp thôi việc?
Theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện nhận trợ cấp thôi việc như sau:
“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”
Quy định này chỉ đề cập đến đối tượng hưởng là người lao động nói chung. Cùng với đó, Điều 2 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng đề cập đến các đối tượng áp dụng của Bộ luật này bao gồm:
“1. Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.
2. Người sử dụng lao động.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”
Theo đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc nếu đáp ứng đủ hai điều kiện sau:
Thứ nhất, đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên cho người sử dụng lao động.
Thứ hai, chấm dứt hợp đồng bởi các nguyên nhân sau:
– Do hết hạn hợp đồng.
– Đã hoàn thành công việc được thỏa thuận trong hợp đồng.
– Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
– Người lao động bị phạt tù (không được hưởng án treo/không được trả tự do), tử hình, bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng.
– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, đã chết.
– Người sử dụng chết; bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, đã chết.
– Người sử dụng chấm dứt hoạt động/bị thông báo không có người đại diện.
– Người lao động hoặc người sử dụng thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp.
2. Mức hưởng trợ cấp thôi việc cho người nước ngoài
Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể tự tính trợ cấp thôi việc thông qua công thức sau:
Tiền trợ cấp thôi việc |
= |
1/2 |
x |
Số năm làm việc để tính trợ cấp thôi việc |
x |
Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng trước khi thôi việc |
Trong đó:
– Số năm làm việc để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế nhưng không tính khoảng thời gian người lao động đã tham gia trợ cấp thất nghiệp, thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm.
– Trường thời gian làm việc để tính trợ cấp không đủ năm sẽ được làm tròn như sau:
+ Có tháng lẻ đến 06 tháng: Làm tròn thành 1/2 năm.
+ Lẻ trên 06 tháng: Làm tròn thành 01 năm.
Đọc thêm:
Các trường hợp nào không được nhận trợ cấp nghỉ việc?;
Người lao động tự ý nghỉ việc, người sử dụng lao động không trả lương giải quyết thế nào?;
Hồ sơ gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài
Trên đây là một số chia sẻ của Luật Bạch Long. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Địa chỉ: Số 92, Đường Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại:
0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!