Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Việc xác định và tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự được LUẬT BẠCH LONG phân tích theo quy định của pháp luật dân sự như sau:
Cơ sở pháp lý
Đọc thêm: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo Bộ Luật Dân sự năm 2015
Nội dung tư vấn
Tại Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Căn cứ quy định trên, nguyên nhân dẫn đến một người bị mất năng lực hành vi dân sự là do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Với quy định: “theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.” có thể hiểu như sau:
– Thứ nhất, một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên người đó mất năng lực hành vi dân sự. Nghĩa là, mặc dù trong cuộc sống thường ngày, một người có các dấu hiệu cho thấy họ bị mất năng lực hành vi dân sự như: có những dấu hiệu bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm,…nhưng người thân hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay tổ chức, cá nhân khác liên quan không có yêu cầu bằng đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự tới Tòa án có thẩm quyền thì về mặt pháp lý người đó vẫn không bị coi là mất năng lực hành vi dân sự. Chỉ khi có quyết định của Tòa án tuyên một người bị mất năng lực hành vi dân sự thì người đó mới bị coi là đã mất năng lực hành vi dân sự.
– Thứ hai, việc tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự phải căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi có yêu cầu, Tòa án sẽ phối hợp với cơ quan y tế thực hiện giám định pháp y tâm thần đối với người được yêu cầu, và quyết định của Tòa án khi tuyên một người bị mất năng lực hành vi dân sự phải dựa trên kết quả giám định đó.
Như vậy, một người được coi là bị mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên người đó bị mất năng lực hành vi dân sự.
Hậu quả pháp lý của quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự là tất cả các giao dịch do họ xác lập đều vô hiệu. Cụ thể, tại Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện như sau:
“1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:
a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.”
Theo quy định tại điều này, giao dịch do người bị mất năng lực hành vi dân sự xác lập sẽ vô hiệu khi người đại diện của người đó có yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch đó vô hiệu. Theo phân tích ở trên, một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án, do vậy các giao dịch bị vô hiệu trong trường hợp này phải là các giao dịch do người đó thực hiện sau khi bị tuyên là người bị mất năng lực hành vi dân sự.
Tuy nhiên trong trường hợp giao dịch được thực hiện trước khi bị tuyên là mất năng lực hành vi dân sự thì vẫn có thể yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch là vô hiệu theo Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2015 do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, cụ thể:
“Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”
Tuy nhiên đối với giao dịch vô hiệu trong trường hợp này cần lưu ý về thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu là 02 năm kể từ ngày người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!