Hai hay nhiều quốc tịch là tình trạng pháp lý của một người cùng một lúc mang quốc tịch của cả hai hay nhiều quốc gia khác nhau
1. Khái niệm về quốc tịch
Trong từng hệ thống pháp luật của từng quốc gia, quốc tịch là một chế định pháp lý, bao gồm các quy định điều chỉnh hình thức và nội dung mối quan hệ pháp luật được thiết lập giữa một cá nhân với một nhà nước. Như vậy, từ phương diện pháp lý hiện đại, quốc tịch là mối quan hệ pháp lý hai chiều giữa cá nhân Nhà nước thể hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ giữa cá nhân và nhà nước đó, được ghi nhận trong pháp luật và được pháp luật bảo đảm thực hiện.
Trên bình diện pháp luật quốc gia và quốc tế, theo truyền thống, có các quy định hiện hành đang được áp dụng tại các nước khi xác lập quốc tịch của cá nhân: xác lập quốc tịch do sinh ra, xác lập quốc tịch do sự gia nhập, hưởng quốc tịch do sự lựa chọn, hưởng quốc tịch theo sự phục hồi, thưởng quốc tịch. Bên cạnh đó, mối liên hệ pháp lý bền vững và ổn định giữa công dân với một nhà nước có thể chấm dứt trong những trường hợp nhất định: do xin thôi quốc tịch, do bị tước quốc tịch và đương nhiên mất quốc tịch.
2. Người hai hay nhiều quốc tịch
a) Khái niệm
Hai hay nhiều quốc tịch là tình trạng pháp lý của một người cùng một lúc mang quốc tịch của cả hai hay nhiều quốc gia khác nhau. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ về quốc tịch cá nhân. Nói cách khác, pháp luật của cả hai quốc gia đều coi người đó là công dân của mình, trên cơ sở đó cùng một lúc họ sẽ đồng thời được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ công dân của cả hai quốc gia.
Đọc thêm:
Bảo vệ quyền con người trong luật hình sự quốc tế
Hợp đồng; Hợp đồng đầu tư quốc tế
b) Nguyên nhân
Việc đưa đến tình trạng hai quốc tịch do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phổ biến có các nguyên nhân sau:
– Do sự quy định khác nhau về các vấn đề quốc tịch trong pháp luật các nước. Xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với dân cư đồng thời dựa trên các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đặc thù của mình mà dẫn đến xung đột về pháp luật giữa các quốc gia khi quy định về các trường hợp hưởng và mất quốc tịch. Chẳng hạn một đứa trẻ có cha mẹ là công dân của nước Việt Nam và sinh ra trên lãnh thổ của Mỹ. Nếu theo luật của Việt Nam (áp dụng theo nguyên tắc huyết thống) thì đứa trẻ có quốc tịch Việt Nam, nếu theo luật Mỹ (áp dụng theo nguyên tắc nơi sinh) thì đứa trẻ sẽ mang quốc tịch Mỹ. Do vậy mà đứa trẻ sẽ mang 2 quốc tịch. Có thể nói đây là trường hợp xung đột về nguyên tắc huyết thống và nguyên tắc nơi sinh để xác định quốc tịch.
– Do những thay đổi về điều kiện thực tế của cá nhân, ví dụ, người đã có quốc tịch mới nhưng vẫn chưa từ bỏ quốc tịch cũ. Ví dụ A là công dân Việt Nam, A xin gia nhập quốc tịch Mỹ, nhưng A chưa xin thôi quốc tịch nên A đương nhiên có hai quốc tịch.
– Do hưởng quốc tịch mới từ việc kết hôn với người nước ngoài hoặc được làm con nuôi người nước ngoài hoặc được quốc gia nước ngoài tặng thưởng quốc tịch do những công lao đóng góp của cá nhân đó đối với quốc gia thưởng quốc tịch.
c) Hệ quả pháp lý
– Thuận lợi:
+ Những người có hai hay nhiều quốc tịch sẽ được hưởng quyền lợi rất lớn về kinh tế chính trị, các phúc lợi xã hội của cả hai quốc gia mà họ là công dân.
+ Người mang hai hoặc nhiều quốc tịch rất thuận lợi trong việc xuất – nhập cảnh, cư trú đi lại trên lãnh thổ các quốc gia mà họ là công dân một cách thuận tiện.
– Khó khăn:
+ Họ cũng phải đáp ứng những quy định của những quốc gia mà họ có quốc tịch như khai thuế, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuân thủ pháp luật hoặc quy định. Chính điều này cũng gây một vài lúng túng cho họ.
+ Gặp nhiều bất lợi liên quan đến vấn đề bảo hộ ngoại giao. Theo điều 4 Công ước La Hyae năm 1930, người hai hay nhiều quốc tịch sẽ không có được sự bảo hộ ngoại giao cần thiết của quốc gia mà họ là công dân khi đang cư trú trên lãnh thổ của quốc gia khác mà họ cũng mang quốc tịch.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam
Tại Điều 12 Luật quốc tịch Việt Nam về giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài quy định:
“1. Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế.
2. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ ký kết hoặc đề xuất việc ký kết, quyết định gia nhập điều ước quốc tế để giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài”.
Thế nhưng quy định khi nào họ là công dân Việt Nam, khi nào là người nước ngoài và việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người có hai hay nhiều quốc tịch như thế nào hiện nay vẫn chưa rõ.
Về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch. Nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch theo Luật Quốc tịch có hiệu lực từ 01/07/2009. Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép ; trường hợp nhập quốc tịch /xin trở lại quốc tịch Việt Nam ; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi . Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.
Như vậy, các chủ thể trên được quyền có hai quốc tịch được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Đây là điểm mới được quy định trong Luật quốc tịch 2008 và Luật quốc tịch số 56/2014/QH13 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội thông qua và ban hành. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền giữ lại quốc tịch gốc, họ vẫn có quyền nhập quốc tịch ở quốc gia đang sinh sống và tuân thủ pháp luật về nhập quốc tịch của nước sở tại.
Trên đây là quan điểm của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.