Quyết định hành chính có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, chính sách lãnh đạo của Đảng vào trong quản lí hành chính nhà nước, với tư cách là một công cụ điều chỉnh trực tiếp, chi tiết các hoạt động của xã hội thì quyết định hành chính phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, một mặt bảo đảm cho sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác tích cực mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, nhờ đó mà những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước được thực thi có hiệu quả hơn, tạo ra sự biến đổi lớn lao và tích cực trong đời sống xã hội. Trong bài viết này Luật Bạch Long sẽ gửi tới quý vị những điều cơ bản cần biết về quyết định hành chính.
ĐỌC THÊM:
Vật nuôi gây tổn hại sức khỏe người khác/làm chết người, chủ nuôi có bị xử lý Hình sự?
-
Khái niệm
Quyết định hành chính nhà nước là một dạng là một dạng của quyết định pháp luật nó là kết quả thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành theo một trình tự, dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật, nhằm đưa ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.
- Đặc điểm.
Về đặc điểm chung, thứ nhất là tính quyền lực nhà nước. Nó thể hiện qua ngay ở hình thức của những quyết định, bời vì chỉ có cơ quan nhà nước mới mới được đơn phương ra những quyết định pháp luật xuất phát từ lợi ích chung . Ngoài ra nó còn thể hiện qua việc những quyết định này sẽ được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước khi cần thiết. Thứ hai là tính pháp lý của quyết định, theo định nghĩa thì qđhc là kết quả sự thể hiện quyền lực nhà nước cho nên giá trị về pháp lý được thể hiện ở toàn bộ những qđhc. Mặt khác nó cũng tác động tới những cơ chế điều chỉnh pháp luật hay làm xuất hiện, thay thế, huỷ bỏ quy phạm pháp luật, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật.
Về đặc điểm riêng. Thứ nhất là tính dưới luật: xuất phát từ vị trí Là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước nên các qđhc do các chủ thể có thẩm quyền trong hệ thống hành chính nhà nước ban hành là những văn bản dưới luật nhằm thi hành luật. Thứ hai qđhc Là những quyết định được nhiều chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ban hành đó là những chủ thể ở trung ương, địa phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như chủ thể có thẩm quyền chuyên môn… Thứ ba, qđhc có những mục đích và nội dung rất phong phú xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động quản lý hành chính nhà nước ngoài ra quyết định hành chính là những quyết định mà về mặt hình thức có những tên gọi khác nhau theo quy định của pháp luật như nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư.
-
Căn cứ vào tính chất pháp lý.
Dựa vào căn cứ này có ba loại qđhc đó là quyết định chủ đạo , quyết định quy phạm và quyết định cá biệt.
Thứ nhất là quyết định chủ đạo: Là loại quyết định mà các chủ thể có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích đưa ra những chủ trương chính sách, giải pháp lớn về quản lý hành chính đối với cả nước, một vùng hoặc đối với một đơn vị hành chính nhất định. Chính vì vậy mà thẩm quyền ra các quyết định chủ đạo này thường thuộc về những chủ thể có vị trí quan trọng trong hệ thống hành chính. Về hình thức thì những quyết định này thường là những nghị quyết.
Thứ hai là quyết định vi phạm: Việc ban hành quyết định quy phạm là hoạt động mang tính đặc trưng của các chủ thể được sử dụng quyền hành pháp, bởi lẽ một trong những biểu hiện của quyền hành pháp đó là hoạt động lập quy. Trên cơ sở Luật, pháp lệnh các chủ thể trong hệ thống hành chính nhà nước sẽ ban hành những quy phạm chủ yếu nhằm cụ thể hóa luật, pháp lệnh để quản lý xã hội trên từng lĩnh vực, vì vậy quyết định quy phạm có ý nghĩa vai trò rất đặc biệt trong hệ thống văn bản pháp luật là chung, văn bản hành chính nói riêng. Với nội dung là những quy tắc xử sự, xác định quyền và nghĩa vụ cho các đối tượng liên quan, quyết định quy phạm tạo ra một khuôn khổ pháp lý, trong các chủ thể của pháp luật hành chính sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Nó được nhiều chủ thể có thẩm quyền khác nhau ban hành với những hình thức, nội dung và mục đích khác nhau, pháp luật cũng đã quy định Chính phủ được ra các quyết định quy phạm dưới hình thức là các nghị định; Thủ tướng Chính phủ ra quyết định quy phạm với hình thức là những quyết định, chỉ thị; bộ trưởng ra quyết định, chỉ thị; uỷ ban nhân dân các cấp ra quyết định, chỉ thị,…
Thứ ba là quyết định các biệt: Được ban hành nhằm mục đích hướng tới việc cho các chủ thể pháp luật hành chính thực hiện được các quyền cũng như nghĩa vụ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy đây là hoạt động thường xuyên và cũng nhờ có các quyết định này mà pháp luật được thi hành. Quyết định các biệt được ban hành trên cơ sở của quyết định chủ đạo cũng như quyết định quy phạm nhằm mục đích để các chủ thể có thẩm quyền giải quyết các công việc cụ thể trên từng lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước. Có thể nói quyết định cá biệt trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một mối quan hệ pháp luật hành chính cụ thể.
-
Căn cứ vào chủ thể ban hành quyết định.
Dựa vào căn cứ này chúng ta có các loại quyết định là qđhc của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, quyết định hành chính của các bộ và cơ quan ngang bộ, quyết định hành chính của uỷ ban nhân dân, quyết định hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân, quyết định hành chính liên tịch.
Thứ nhất là qđhc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ sẽ ra quyết định hành chính dưới hình thức là những nghị quyết, nghị định. Thủ tướng Chính phủ ra quyết định hành chính dưới hình thức là các quyết định và chỉ thị.
Thứ hai là qđhc của các bộ và cơ quan ngang bộ. Theo như quy định của pháp luật thì bộ và các cơ quan ngang bộ được ra các quyết định hành chính dưới hình thức là những quyết định, chỉ thị và thông tư.
Thứ ba là qđhc của uỷ ban nhân dân. Uỷ ban nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định được quyền ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó. Chủ tịch uỷ ban nhân cũng được ban hành những quyết định hành chính dưới hình thức quyết định và chỉ thị nhưng đó chỉ là những quyết định cá biệt.
Thứ tư là qđhc của các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân. Các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân với tư cách là các cơ quan giúp việc về chuyên môn cho uỷ ban nhân dân được quyền ra quyết định hành chính dưới dạng quyết định và chỉ thị.
Thứ năm là qđhc liên tịch. Đây là một loại quyết định khác với những loại quyết định trên về chủ thể ra quyết định. Nó được ban hành bởi nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, thậm chí còn có cả sự phối hợp của tổ chức xã hội. Hình thức ban hành là thông tư liên tịch, nghị quyết liên tịch.
-
Trình tự xây dựng và ban hành quyết định hành chính.
Việc xây dựng và ban hành một qđhc quy phạm thông thường sẽ qua các bước: Sáng kiến ban hành quyết định sau đó là dự thảo quyết định, tiếp đến trình dự thảo, cuối cùng là truyền đạt quyết định. nhưng với mỗi chủ thể thì lại có những mục đích và nội dung khác nhau nên trình tự xây dựng và ban hành các loại quyết định cũng không giống nhau.
Chính phủ sẽ quyết định chương trình xây dựng nghị định ba tháng, sáu tháng và hàng năm. Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì để soạn thảo nghị định và sau đó xem xét lại tại phiên họp Chính phủ. Dự thảo được thông qua nếu có quá nửa số tổng thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Thủ tướng chính phủ là người ký nghị định.
Thủ tướng Chính phủ sẽ có dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sẽ được chính Thủ tướng giao và chỉ đạo cơ quan soạn thảo. Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm xây dựng dự thảo và tùy theo tính chất, nội dung của dự thảo và tổ chức lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, các nhân hữu quan. Bộ tư pháp có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản về các dự thảo quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan soạn thảo chỉnh lí và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để ký quyết định, chỉ thị.
Bộ và cơ quan ngang bộ phải qua các bước. Trước hết bộ trưởng, thủ tướng cơ quan ngang bộ giao dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư cho một đơn vị thuộc bộ thực hiện. Sau đó đơn vị này sẽ nghiên cứu và xây dựng dự thảo theo tính chất và nội dung, tổ chức lấy ý kiến. Tiếp tới chỉnh lí dự và đem trình bộ trưởng, thủ tướng và cơ quan ngang bộ để xem xét để kí quyết định, chỉ thị, thông tư.
Về soạn thảo ban hành các quyết định hành chính liên tịch trước hết phải được cơ quan hữu quan cùng nhau thảo luận để phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Cơ quan này sẽ tổ chức xây dựng dự thảo quyết định và lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và tiến tới chỉnh lý dự thảo quyết định để những người đứng đầu các cơ quan cùng tham gia xem xét để đi tới ký quyết định hành chính liên tịch.
Quyết định của uỷ ban nhân dân căn cứ vào hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội, lệnh, quyết định của chủ tịch nước, văn bản các nhà nước cấp trên cũng như quyết định của hội đồng nhân dân cùng cấp ra quyết định hành chính dưới hình thức quyết định và chỉ thị.
Trên đây là ý kiến của Luật Bạch Long , Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com