Hôn nhân đồng giới vẫn là điều mới mẻ. Hôn nhân – theo quan niệm truyền thống của rất nhiều các quốc gia trên thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn, cụ thể là quan hệ giữa phụ nữ (người vợ) và người đàn ông (người chồng). Hôn nhân giữa hai người được Nhà nước công nhận và bảo vệ thông qua việc đăng ký kết hôn.
Song song với đó, những người đồng giới cũng có nhu cầu được kết hôn và mong muốn được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vấn đề này được quy định thế nào? Trong bài viết này, Luật Bạch Long xin làm rõ quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới.
Trước đây, Việt Nam là quốc gia cấm kết hôn đồng giới. Điều này được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như sau:
“Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5. Giữa những người cùng giới tính.”
Xem thêm:
Một bộ phận xã hội cho rằng hôn nhân đồng giới có thể làm suy thoái các giá trị đạo đức, không phù hợp với chuẩn mực truyền thống của xã hội Việt Nam. Đồng thời, hôn nhân đồng giới sẽ làm suy thoái nòi giống và phản tự nhiên. Do đó vấn đề hôn nhân đồng giới từng bị ngăn cấm. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển của xã hội, các nhà làm luật đã có cái nhìn tích cực hơn về quyền kết hôn, bình đẳng giữa những cặp đôi đồng giới và cặp đôi nam nữ truyền thống. Điều này được thể hiện tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:
“Điều 8. Điều kiện kết hôn 1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. 2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Theo đó, luật hôn nhân và gia đình hiện hành không thừa nhận hôn nhân đồng giới nhưng cũng không cấm kết hôn đồng giới. Điều này có nghĩa, những người đồng giới có thể tổ chức lễ cưới và chung sống với nhau mà không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, họ không thể đi đăng ký kết hôn, không được cấp chứng nhận kết hôn không được pháp luật bảo vệ theo quan hệ vợ chồng khi có tranh chấp xảy ra.
Như vậy, hôn nhân đồng giới tuy không được thừa nhận nhưng cũng không còn bị pháp luật ngăn cấm.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Luật Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!