Theo quy định thì nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Công ty Luật TNHH Bạch Long sẽ đưa ra một số tư vấn đối với vấn đề nêu trên như sau:
- Khái quát quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân
Đây thực chất là một tập hợp quyền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những quyền này có quan hệ mật thiết với quyền được hỗ trợ để bảo vệ gia đình, quyền của các bà mẹ và trẻ em được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt (được ghi nhận trong Điều 10 ICESCR), cũng như với quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền trẻ em được nêu ở một số điều khác của ICCPR. Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân đầu tiên được đề cập trong các Điều 16 UDHR. Theo Điều này thì nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai (Khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này khẳng định, gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ. Các quy định kể trên của UDHR sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 23 ICCPR và Điều 10 ICESCR. Chính vì vậy, khi xếp các quyền có liên quan vào một nhóm chung là quyền về gia đình, nhóm chung này sẽ mang đặc trưng và đôi khi được xếp vào cả hai nhóm quyền dân sự và quyền xã hội. Cụ thể, về khía cạnh quan hệ thân nhân và tài sản, quyền về gia đình thuộc nhóm quyền dân sự, tuy nhiên, ở khía cạnh an sinh xã hội, quyền này thuộc nhóm quyền xã hội. Điều 23 ICCPR quy định: Gia đình là một tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo hộ. Quyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến tuổi kết hôn phải được thừa nhận. Không được tổ chức việc kết hôn nếu không có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai. Các quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền và trách nhiệm của vợ và chồng trong suốt thời gian chung sống và khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn, phải có quy định bảo đảm sự bảo hộ cần thiết với con cái.
- Quyền của nam và nữ đến tuổi kết hôn thì được kết hôn và lập gia đình một cách tự do, tự nguyện
Khoản 2 Điều 23 ICCPR khẳng định quyền của nam và nữ đến tuổi kết hôn thì được kết hôn và lập gia đình một cách tự do, tự nguyện. Công ước không quy định độ tuổi kết hôn cụ thể cho cả nam và nữ – việc này tùy thuộc pháp luật của các quốc gia thành viên; tuy nhiên, độ tuổi kết hôn cần ở mức phù hợp để người kết hôn có thể thể hiện được sự tự nguyện hoàn toàn ý chí của mình trong khuôn khổ và điều kiện luật pháp cho phép. Thêm vào đó, các quy định pháp luật quốc gia về vấn đề này phải phù hợp với các quyền khác được Công ước bảo đảm, ví dụ như quyền tự do có niềm tin, chính kiến, tự do tôn giáo, tín ngưỡng (hàm ý rằng luật pháp của mỗi quốc gia phải tạo điều kiện cho khả năng kết hôn giữa những người theo các tôn giáo khác nhau và có quốc tịch khác nhau). Việc pháp luật quốc gia quy định lễ cưới phải đồng thời được tổ chức theo nghi thức tôn giáo và đăng ký kết hôn theo pháp luật cũng không trái với Công ước ( đoạn 4). Về nguyên tắc, quyền xây dựng gia đình hàm ý là nam nữ có thể sinh đẻ và sống cùng nhau một cách tự nguyện. Vì vậy, chính sách kế hoạch hóa gia đình của các quốc gia thành viên phải phù hợp các điều khoản có liên quan của Công ước và đặc biệt không được mang tính chất phân biệt đối xử hay cưỡng bức. Thêm vào đó, quyền này cũng đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thực thi các biện pháp phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia và hợp tác quốc tế, để bảo đảm sự thống nhất hay tái thống nhất các gia đình bị chia tách do các nguyên nhân chính trị, kinh tế hay các nguyên nhân khác ( đoạn 5).
Về quyền bình đẳng khi kết hôn, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm không có sự phân biệt đối xử về giới tính liên quan đến việc nhập hay từ bỏ quốc tịch do kết hôn, cũng như bảo đảm quyền của cả vợ và chồng được bình đẳng trong việc giữ nguyên hay lựa chọn họ mới cho mình sau khi kết hôn ( đoạn 7). Vợ chồng có quyền bình đẳng liên quan đến tất cả các vấn đề nảy sinh trong đời sống gia đình, ví dụ như việc lựa chọn nơi cư trú, tổ chức cuộc sống, giáo dục con cái, quản lý tài sản, kể cả trong việc ly hôn và trông nom, chu cấp, nuôi dưỡng, thăm nom con cái sau khi ly hôn…(các đoạn 8-9).
- Quyền tự do lập hội
Quyền này (cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình) đầu tiên được ghi nhận trong Điều 20 UDHR. Ngoài việc quy định mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hoà bình, Điều này còn nêu rõ (trong Khoản 2), không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào. Điều 22 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định về quyền tự do hội họp trong Điều 20 UDHR, trong đó nêu rõ: Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát. UNHRC hiện chưa có bình luận chung nào về nội dung Điều 22, tuy nhiên, từ nội dung của nó, có thể thấy quyền này bao gồm cả ba khía cạnh: (i) lập ra các hội mới, (ii) gia nhập các hội đã có sẵn, và (iii) điều hành các hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động. Theo các chuyên gia, quyền tự do lập hội bổ sung cho quyền tự do hội họp hòa bình quy định ở Điều 21 ICCPR. Cần lưu ý rằng, tương tự như quyền tự do hội họp hòa bình, quyền tự do lập hội không phải là quyền tuyệt đối, bởi nó cho phép các quốc gia có thể đưa ra những hạn chế trong việc thực hiện quyền này, miễn là phải dựa trên những quy định của Công ước.
- Quyền tự do hội họp một cách hòa bình
Như đã đề cập ở trên, quyền này đầu tiên được ghi nhận trong Điều 20 UDHR (cùng với quyền tự do lập hội). Điều 21 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa nội dung Điều 20 UDHR, trong đó nêu rõ: Quyền hội họp hoà bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sự bình yên và đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác. Liên quan đến Điều 21, UNHRC hiện cũng chưa có bình luận chung nào, tuy nhiên, cũng từ nội dung của nó, có thể thấy đây không phải là một quyền tuyệt đối
Theo các chuyên gia, việc bảo đảm quyền hội họp hòa bình đòi hỏi các quốc gia có cả nghĩa vụ chủ động và nghĩa vụ thụ động (negative obligation). Do quyền này là tiền đề rất quan trọng để thực hiện quyền tự do biểu đạt quy định trong Điều 19 nên việc thực hiện Điều 19 cần gắn với việc thực hiện Điều 21.
- Quyền được tham gia vào đời sống chính trị
Quyền này đầu tiên được ghi nhận trong Điều 21 UDHR. Theo Điều này, mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn. Mọi người đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ công cộng ở nước mình một cách bình đẳng (Khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này đề cập một quy định mang tính nguyên tắc bổ sung cho nội dung các Khoản 1 và 2, trong đó nêu rằng, ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự. Điều 25 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định trong Điều 21 UDHR, trong đó nêu rõ: Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào… và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: a) Tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn; b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo cho cử tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình; c) Được tiếp cận với các chức vụ công ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng. Liên quan đến Điều 25, UNHRC đã giải thích thêm một số khía cạnh của Điều này trong Bình luận chung số 25 thông qua tại phiên họp thứ 57 năm 1996 c ủa Ủy ban, có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau: Điều 25 ICCPR ghi nhận và bảo vệ quyền của mọi công dân được tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quyền bầu cử, ứng cử và quyền được tham gia các cơ quan công quyền. Nó khẳng định nền tảng của việc quản lý nhà nước là phải trên cơ sở đồng thuận của nhân dân. Cho dù theo thể chế chính trị nào thì các quốc gia thành viên cũng phải thông qua những biện pháp pháp lý và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo cho mọi công dân đều có cơ hội được hưởng các quyền này (đoạn 1). Các quyền nêu trong Điều 25 có liên quan nhưng không đồng nhất với quyền tự quyết dân tộc. Quyền tự quyết dân tộc quy định trong Khoản 1 Điều 1 ICCPR là quyền của cả một dân tộc được tự do quyết định thể chế chính trị của nước mình, trong khi đó, Điều 25 đề cập quyền của các cá nhân được tham gia vào quá trình quản lý các lĩnh vực công (đoạn 2). Không giống như các quyền và tự do khác được ghi nhận trong ICCPR mà có chủ thể của quyền là mọi cá nhân trong phạm vi lãnh thổ và thuộc quyền tài phán của một quốc gia, các quyền nêu ở Điều 25 chỉ dành riêng cho những người có vị thế “công dân” của quốc gia. Tuy nhiên, không được có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì bất kỳ lý do gì giữa các công dân trong việc thực hiện những quyền này. Kể cả sự phân biệt giữa những người được hưởng tư cách công dân một cách đương nhiên ngay khi sinh ra và những người có được tư cách công dân bằng việc nhập quốc tịch cũng là trái với Điều 25 (đoạn 3). Các quyền nêu ở Điều 25 có thể bị hạn chế nhưng mọi hạn chế phải hợp lý và khách quan. Ví dụ, một trong những hạn chế được cho là hợp lý là quy định cần phải đạt đến một độ tuổi nhất định mới được quyền bầu cử, ứng cử hay được bổ nhiệm vào những chức vụ cụ thể trong hệ thống chính quyền; hoặc quy định những người bị hạn chế năng lực hành vi có thể không được quyền bầu cử hay ứng cử (đoạn 4).
Đọc thêm:
Quyền nuôi con sau ly hôn theo quy định mới nhất hiện nay;
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con của Tòa án;
Xét xử ly hôn khi vắng mặt chồng hoặc vợ.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long về một số quy định về vấn đề nêu trên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!