Việt Nam đã và đang từng bước trên con đường Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa Đất Nước gắn liền với định hướng xây dựng một nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa bền vững và ổn định. Không ngừng mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới nhằm mục đích hòa bình, hữu nghị cùng phát triển trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong xu thế hội nhập đó, vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành mục tiêu ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới đặc biệt có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và bền vững của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức phức tạp đòi hỏi phải được giải quyết bằng cách phối hợp nhiều biện pháp khác nhau. Một trong những công cụ kinh tế hiệu quả được nhiều nước trên thế giới sử dụng đó là ban hành thuế môi trường nhằm mục đích bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái. Tình trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là một thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong bài viết này Luật Bạch Long sẽ gửi tới quý vị bài viết về vấn đề “So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới”, bài viết sẽ chia thành 03 phần để quý vị dễ theo dõi.
ĐỌC THÊM:
So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới (p1)
So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới (p2)
so sánh RCEP và ATIGA về thuế quan
1.2. Về người nộp thuế.
Người nộp thuế được quy định tại Điều 5 Luật thuế bảo vệ môi trường, theo đó tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế bảo vệ môi trường. So với Điều 112 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 thì Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 đã bổ sung thêm trường hợp chủ thể có hành vi “nhập khẩu” hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tại Điều 3 là người nộp thuế. Đây là một quy định hợp lí, bởi nó đã đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, khắc phục thiếu sót trong quy định về thuế môi trường tại Luật bảo vệ môi trường năm 2005 bởi nếu chỉ quy định người có hành vi “sản xuất, kinh doanh” những hàng hóa gây tác hại đến môi trường thì nhiều người sẽ tạo kẽ hở này để trốn thuế. Nếu muốn sử dụng các sản phẩm gây hại, thuộc đối tượng chịu thuế, các chủ thể sẽ không sản xuất ra mà thay vào đó nhập khẩu để tránh phải nộp thuế bảo vệ môi trường. Vì vậy, quy định về người nộp thuế trong Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 là hợp lý.
Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, mục đích của việc áp dụng thuế là định hướng, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa thân thiện với môi trường và thể hiện sự điều tiết của nhà nước, hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững bởi thực tế, bản thân người tiêu dùng là chủ thể gây ô nhiễm do sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm. Xuất phát từ đặc điểm đó, việc quy định chủ thể có hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế nhưng chính người tiêu dùng là người phải gánh chịu thuế do thuế đã được cộng vào giá bán của sản phẩm hợp lí, tránh được sự phản ứng gay gắt từ người tiêu dùng.
1.3. Về căn cứ tính thuế.
Điều 6 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định: “Căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế suất tuyệt đối”.
Số lượng hàng hóa tính thuế đã được quy định cụ thể đối với từng loại hàng hóa để phù hợp với đặc thù của sản xuất hàng hóa, cụ thể: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho. Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, ta có thể thấy việc quy định cụ thể đã tạo điều kiện thuận lợi và hạn chế việc phát sinh chi phí trong quản lý thu thuế bảo vệ môi trường.
Mức thuế tuyệt đối: Mức thuế tuyệt đối được quy định theo biểu khung thuế cụ thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, tùy theo từng đối tượng chịu thuế, là một số tiền/đơn vị hàng hóa. Có thể nhận thấy rằng, việc pháp luật quy định tính thuế bảo vệ môi trường với mức thuế tuyệt đối là hợp lý. Bởi đây là phương pháp tốt nhất, thể hiện sự đơn giản, minh bạch trong thực hiện, bảo đảm sự chủ động trong việc tính toán giá thành sản phẩm cũng như đối với việc thu ngân sách nhà nước, không phụ thuộc vào sự biến động của giá cả hàng hóa. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế nên dễ thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì mức thuế tuyệt đối có một hạn chế đó là nó sẽ gây khó khăn trong công tác thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay với tình trạng trượt giá khó kiểm soát, khung tính thuế và mức thuế tuyệt đối sẽ liên tục phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn, khi đó gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật.
1.4. Về hoàn thuế.
Điều 11 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 quy định người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài;
- Hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất.
- Hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài;
- Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo quy định của pháp luật khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.
2. So sánh Thuế Bảo vệ môi trường giữa Việt Nam và các nước.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mức thu thuế BVMT của Việt Nam so với mức thu thuế cho mục đích môi trường của các nước là tương đối thấp. Ví dụ: Thuế BVMT đối với xăng của Việt Nam là 3.000 đồng/lít; ở CHLB Đức là 0,667 Euro/lít – tương đương 16.400 đồng/lít; ở Hà Lan là 0,628 Euro/lít – tương đương 15.400 đồng/lít; ở Singapo là 0,4 đô la Sin/lít – tương đương 6.400 đồng/lít; ở Nhật là 32,1 Yên Nhật/lít – tương đương 6.550 đồng/lít.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, Áo, Mỹ, Canada còn thu thuế đối với việc mua/bán và sử dụng xe cơ giới. Điều này có thể định hướng đến mục đích điều tiết tiêu dùng các loại xe cơ giới và huy động nguồn thu cho ngân sách.
Ở Mỹ mức thuế rất khác nhau, dao động từ mức 1.000 – 7.700 USD đối với việc mua bán xe cơ giới không có hiệu quả về năng lượng, dựa trên từng chặng đường mà xe đó có thể đi trên một Ga-lông.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, thuế mua xe cơ giới áp dụng đối với các cá nhân, đơn vị mua xe trong nước và mức thuế phải nộp được tính theo giá của xe. Nước này còn đánh thuế đối với tất cả các sản phẩm tài nguyên, đồng thời mở rộng việc đánh thuế trên doanh thu bán dầu thô và khí tự nhiên. Trung bình một thùng dầu thô bán ra với giá 80 USD, thuế tài nguyên là 4 USD/thùng, gấp 6 – 13 lần so với trước đó.
III. Một số đề xuất giải pháp pháp lí cho Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Áp dụng chế độ ưu đãi thuế đối với những doanh nghiệp có hoạt động bảo vệ môi trường: Tập trung ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm… Việc ưu đãi thuế trực thu này xuất phát từ cách tiếp cận về tác động khích lệ trong lý thuyết kinh tế học.
Thuế trực thu có liên quan trực tiếp tới lợi nhuận, lợi ích trực tiếp của doanh nghiệp và ưu đãi này ngầm định khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn tài chính để giải quyết những vấn đề chống ô nhiễm môi trường. Cụ thể, có thể áp dụng các biện pháp như:
Hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý chất thải, ô nhiễm; khuyến khích các doanh nghiệp xử lý chất thải bằng cách cho tăng gấp đôi chi phí xử lý chất thải khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy được tác dụng như mong muốn, cần quy định rõ một số vấn đề như: những hoạt động nào là hoạt động xử lý chất thải và gắn với nó – những chi phí nào sẽ được tính trừ.
Tiếp tục các quy định về khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường bằng cách cho áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (10%) suốt quá trình thực hiện dự án.
Sử dụng ưu đãi thuế để khuyến khích, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch, quản lý chặt chẽ việc khai thác và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên của đất nước
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…nên được áp dụng cơ chế ưu đãi tối ưu như / miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (mức ưu đãi cao nhất trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành); đồng thời, cho phép áp dụng mức thuế suất thấp như đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục/ đào tạo, y tế, môi trường – đó là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.
Các chi phí liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng cho phép được tính gấp đôi khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Những ưu đãi này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp nói chung, cần có biện pháp khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạch, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.
Hiện nay, chính sách thuế của nước ta cũng đã có những ưu đãi nhất định khi cho phép các doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp với mức tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp và số tiền trích lập quỹ này được giảm trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một số đơn vị không phát sinh thu nhập tính thuế thì ưu đãi này không phát huy được tác dụng.
Vì vậy, có thể áp dụng các biện pháp khác nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, ví dụ như cho phép khấu trừ gấp đôi hoặc gấp 1,5 lần các chi phí mà doanh nghiệp chi ra cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ khi xác định chi phí được trừ để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với cách này, chi phí được trừ sẽ tăng lên và số thuế phải nộp vì vậy cũng được giảm đi với tỷ lệ 25% trên chi phí nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Áp dụng phương án này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích cực trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.
Song song với việc ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sử dụng năng lượng sạch, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động khai thác tài nguyên như khai thác các loại quặng, than, dầu khí ở dạng thô.
Trong trường hợp này, thuế tài nguyên được xem như một công cụ quan trọng nhất, đang được áp dụng một cách rộng rãi và có hiệu quả cao nhất.
Đối với thuế tài nguyên, nên áp dụng mức thuế suất cao hơn nữa đối với loại tài nguyên dạng thô, ngược lại, đánh thuế suất thấp hơn đối với tài nguyên dạng tinh hoặc đã chế biến.
Mặc dù những quy định của thuế tài nguyên về lý thuyết là có tác động tích cực nhất trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên, tuy nhiên, nếu việc quản lý không hiệu quả thì mục tiêu tốt đẹp của thuế tài nguyên cũng không thể thực hiện được.
Trên đây là những ý kiến của Luật Bạch Long về vấn đề “So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới”, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!