Thuế là một khoản phí tài chính bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho một tổ chức chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau. Thuế theo quy định được phân chia thành nhiều loại khác nhau như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,… Công ty Luật TNHH Bạch Long sẽ đưa ra một số tư vấn các quy định pháp luật đối với vấn đề phân biệt thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như sau:
1. Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng:
Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giống như thuế giá trị gia tăng đều thuộc loại thuế gián thu. Tính chất gián thu của loại thuế này thể hiện ở chỗ: thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt một cách gián tiếp thông qua giá cả của hàng hóa, dịch vụ mà người đó tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là người nộp thuế cho Nhà nước thay cho người tiêu dùng. Như vậy, người sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ sẽ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và khoản thuế này được chuyển vào giá bán sản phẩm và chuyển sang cho người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu.
2. Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ nhất, thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ giúp Nhà nước thực hiện chính sách quản lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với một số hàng hóa, dịch vụ.
Thứ hai, thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ kinh tế để Nhà nước điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư có thu nhập cao, hướng dẫn tiêu dùng hợp lí. Thông qua việc thu thuế tiêu thụ, Nhà nước, một mặt, có thể định hướng tiêu dùng xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, xu hướng tiêu dùng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Mặt khác, nhà nước còn có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và có khả năng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, không được khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ quan trọng được sử dụng nhằm ổn định và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Do có thuế suất cao, số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước.
3. Đặc trưng của thuế tiêu thụ đặc biệt – so sánh với thuế giá trị gia tăng
3.1 Thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp
Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung điều tiết một số mặt hàng và dịch vụ nhất định, không được Nhà nước khuyến khích tiêu dùng. Tùy theo quan điểm của các nhà làm luật ở mỗi quốc gia mà danh mục hàng hóa và dịch vụ phải chịu loại thuế này có thể rất khác nhau. Điều này được lý giải bởi chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng cũng như trong lĩnh vực điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư ở từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của mỗi nước. Nhìn chung các quốc gia thường đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào một số mặt hàng được coi là cao cấp và không thiết yếu, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như: thuốc hút, rượu bia, xăng dầu.
Như vậy, đối tượng chịu thuế chủ yếu là những hàng hóa, dịch vụ có tính chất đặc biệt: là loại xa xỉ phẩm cần điều tiết thu nhập, hoặc cần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng do việc tiêu dùng có ảnh hưởng tiêu cực đến con người nhưng không thể cấm tiêu dùng.
So sánh với thuế giá trị gia tăng: Mặc dù cũng là thuế tiêu dùng, nhưng khác với thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt có đối tượng chịu thuế hẹp, chỉ bao gồm một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần điều tiết. Còn thuế giá trị gia tăng đánh vào hầu hết hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong phạm vi quốc gia. Nếu như thuế giá trị gia tăng đánh vào tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ trừ nhóm hàng hóa dịch vụ nằm trong nhóm không thuộc đối tượng chịu thuế thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào 11 loại hàng hoá và 6 loại dịch vụ.
3.2 Thuế suất thế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ và thường cao hơn so với thuế suất của các loại thuế gián thu khác.
Thuế tiêu thụ đặc biệt có phạm vi điều chỉnh hẹp nhưng thường có mức thuế suất cao. Do đối tượng của thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ nên Việt Nam và các nước thường áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng qua đó cũng điều tiết một phần thu nhập của những người tiêu dùng các hàng hóa dịch vụ có thu nhập cao, đảm bảo công bằng xã hội. Dưới góc độ điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao sau khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, thuế tiêu thụ đặc biệt còn góp phần khắc phục hạn chế về công bằng theo chiều dọc của thuế giá trị gia tăng
So sánh với thuế giá trị gia tăng
Đây là điểm khác biệt rõ nét với thuế giá trị gia tăng. Nếu như thuế giá trị gia tăng chỉ có mức thuế suất là 0%, 5% và 10% thì thuế tiêu thụ đặc biệt có thể chịu mức thuế suất lên tới 150% . Xuất phát từ vai trò thuế tiêu thụ đặc biệt hạn chế tiêu dùng còn thuế giá trị gia tăng khuyến khích tiêu dùng. Đối với những mặt hàng hóa với đặc điểm dễ gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường, những dịch vụ không thiết yếu,… Nhà nước sẽ đánh thuế suất cao nhằm tăng giá cả của hàng hóa để hạn chế tiêu dùng của người dân, các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không thể là quảng đại quần chúng lao động mà chỉ là những tầng lớp khá giả trong xã hội. Còn đối với thuế giá trị gia tăng, vì đối tượng chịu thuế của thuế giá trị gia tăng đều là những mặt hàng thiết yếu cần dùng trong cuộc sống, nên thuế suất thấp sẽ giúp cho đa số người dân đều mua được những mặt hàng cần thiết đó.
3.3 Thuế tiêu thụ đặc biệt thường chỉ được thu một lần ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu.
Cùng một mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhà nước chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt một lần ở khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hay kinh doanh các dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Khi hàng hóa và dịch vụ này chuyển qua khâu lưu thông thì không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là điểm khác biệt lớn với thuế giá trị gia tăng. Nếu như thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh một lần thì thuế giá trị gia tăng đánh vào phần giá trị tăng thêm của tất cả các khâu, các bước của quá trình kinh doanh, bao gồm cả sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Chính vì thế cơ sở kinh doanh được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nếu có chứng từ hợp pháp. Số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ đối với nguyên liệu tối đa không quá số thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với số nguyên liệu dùng sản xuất ra hàng hóa đã tiêu thu. Vì vậy, việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt đòi hỏi phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hạn chế đến mức tối đa sự thất thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu sản xuất, cung ứng dịch vụ hoặc nhập khẩu.
So sánh với thuế giá trị gia tăng:
Đặc điểm này cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt khác với thuế doanh thu và thuế giá trị gia tăng ở chỗ các loại thuế này đánh trên toàn bộ doanh thu bán hàng hoặc trên giá trị tăng thêm của hàng hóa ở mỗi khâu trong lưu thông. “Phần giá trị tăng thêm” là sự chênh lệch giá trị giữa giá đầu ra và đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sau mỗi giai đoạn. Mà căn nguyên của sự gia tăng về giá trị đó là do những tác động của nhà sản xuất, nhà kinh doanh tới hàng hóa, dịch vụ 2 . Thuế GTGT là thuế đánh vào tiêu dùng nên về nguyên tắc chỉ cần đánh vào khâu tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, việc xác định khâu tiêu dùng nào là cuối cùng là điều không đơn giản. Vì vậy, kết thúc mỗi khâu hàng hóa, dịch vụ tồn tại trên thụ trường mà có phát sinh giá trị tăng thêm thì sẽ phải đánh thuế ngay để bảo đảm số thuế GTGT thu về ngân sách. Về cơ bả, quá trình này có thể được nhìn nhận từ khi các nhà sản xuất mua nguyên, nhiên, vật liệu sau đó qua quá trình sản xuất, chế biến tạo GTGT để bán cho các nhà buôn; sau đó các nhà bán buôn phân phối đến các nhà bán lẻ và cuối cùng các nhà bán lẻ phân phối đến người tiêu dùng. Sau mỗi một công đoạn đó, từ sản xuất, chế biến cho đến lưu thông và tới tay người tiêu dùng nếu hàng hóa, dịch vụ phát sinh giá trị tăng thêm khi kết thúc công đoạn nào thì sẽ bị đánh thuế GTGT ngay của công đoạn đó.
Các hàng hóa, dịch vụ đã chịu thuế TTĐB, khi lưu thông trên thị trường, tức là được chuyển qua khâu thương nghiệp thì các cơ sở kinh doanh các mặt hàng này không phải nộp thuế TTĐB nhưng phải nộp thuế GTGT.
Công cuộc cải cách chính sách thuế của các nước trên thế giới hiện nay đang tập trung theo hướng làm thay đổi cơ cấu thuế theo hướng dịch chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu, chú trọng tỷ trọng thuế gián thu trong cơ cấu tổng thu NSNN. Bên cạnh số thu từ thuế nhập khẩu sẽ giảm đi theo lộ trình cắt giảm thuế quan song phương hay theo các cam kết đa phương , việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng không được khuyến khích sử dụng, hay làm ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội đã góp phần bù đắp vào các khoản thiếu hụt trong thu ngân sách từ thuế.
Đọc thêm:
Ý nghĩa của việc quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp;
Danh mục ngành nghề kinh doanh
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long về một số quy định pháp luật đối với vấn đền nêu trên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!