Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 22 ca mắc COVID-19 được công bố. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao nhân viên y tế tại viện đã được tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca nhưng vẫn mắc bệnh.
Trước vấn đề này, nhiều người nghi ngờ về khả năng bảo vệ của vaccine COVID-19 và ngần ngại đưa ra quyết định tiêm chủng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiêm vaccine là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Sáng 6.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 3 Thứ trưởng Bộ Y tế đã tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các lãnh đạo Bộ Y tế đã tiêm vaccine AstraZeneca, nhằm giúp người dân tin tưởng vào vaccine COVID-19. Sức khỏe của các lãnh đạo Bộ Y tế sau tiêm vaccine ổn định.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết hiệu quả của tiêm vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận là trên 50%, số còn lại tiêm xong vẫn có thể nhiễm bệnh. Song, nếu bị bệnh sau tiêm thì tỷ lệ phải nằm viện, bị phản ứng nặng, hậu quả nặng sẽ không xảy ra.
“Tiêm vaccine phải cùng với thực hiện 5K thì việc phòng chống dịch mới hiệu quả”- Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nói.
Sau tiêm vaccine có những phản ứng thông thường như sốt, mệt mỏi… khiến một số người e ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia về phòng dịch cũng như điều trị khẳng định tiêm đến đâu an toàn đến đó, đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng xử lý các tác dụng phụ và biến chứng nếu xảy ra.
“Tiêm vaccine là trách nhiệm chung của tất cả mọi người để có được miễn dịch cộng đồng”, ông Cường nói.
Thế giới đã ghi nhận các trường hợp vẫn mắc COVID-19 sau tiêm vaccine. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 15.4 thống kê 5.800 người nhiễm virus này dù đã tiêm phòng đủ hai liều. Trong đó, một số người bị ốm nặng, 74 người chết, 396 người phải nhập viện.
CDC khuyến cáo những người đã tiêm chủng đầy đủ cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, tránh nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên. Tại Singapore, thống kê đến hết tháng 4, có 2 người mắc COVID-19 sau tiêm vaccine, trong tổng số 2 triệu người đã tiêm.
Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đến nay, Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Theo ghi nhận đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỷ lên này thấp so với các nước trên thế giới.
Việc tiêm chủng phải đạt trên 70% dân số để có miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh. Số lượng tiêm chủng ở Việt Nam hiện nay còn rất ít ỏi, chưa đạt miễn dịch, vì vậy mọi người vẫn cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch được Bộ Y tế khuyến cáo.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe.
Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.