Hiện nay, tội phạm xâm phạm sở hữu diễn ra ngày một phổ biến và được xã hội lên án mạnh mẽ. Đặc biệt là Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, do các đối tượng phạm tội thường tìm hiểu và lợi dụng tình trạng không thể phản kháng của chủ sở hữu tài sản để chiếm đoạt.
Dưới đây, Luật Bạch Long sẽ đưa ra tư vấn pháp lý về cấu thành cơ bản của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản để giúp chủ sở hữu tài sản có cơ sở để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
1.Căn cứ pháp lý
Điều 172 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2.Nội dung tư vấn
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Thông thường người phạm tội lợi dụng sự vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản trước mắt họ mà không làm gì được.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất đó là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai).
Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).
Chủ thể của tội phạm
Theo quy định tại điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội công nhiên chiếm đoạt TS, chủ thể của tội phạm là người trên 16 tuổi. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cần chú ý độ tuổi của người phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt.
Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi phạm tội:
Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt TS, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh… Mặc dù, tội công nhiên chiếm đoạt TS là tội phạm chưa dược các nhà khoa học nghiên cứu nhiều, nhưng qua thực tiễn xét xử chúng ta có thể thấy một số trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản sau:
– Người phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ.
– Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hoả hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự để chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do người có tài sản gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho họ lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình, nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản mà không làm gì được.
Tính chất công khai trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan, nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng đối với tội công nhiên chiếm đoạt TS. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt TS với tội trộm cắp tài sản, nếu chiếm đoạt tài sản một cách lén lút mà người quản lý tài sản không biết là hành vi trộm cắp. Công nhiên chiếm đoạt TS trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên đối với mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, đối với người xung quanh, người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối, lén lút để tiếp cận tài sản, nhưng khi chiếm đoạt người phạm tội vẫn công khai, trắng trợn.
– Hậu quả và mối quan hệ nhân quả:
Hậu quả của tội công nhiên chiếm đoạt TS là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự xã hội, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Lúc này mới cấu thành nhưng không vì thế mà cho rằng, phải có thiệt hại về tài sản (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) thì mới cấu thành tội phạm.
Với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy, máy tính xách tay, đồng hồ đắt tiền hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Khách thể của tội phạm
– Khách thể của hành vi công nhiên chiếm đoạt TS cũng tương tự như tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội công nhiên chiếm đoạt TS không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này này được thể hiện trong cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt TS nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.
Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi này với lỗi cố ý.
Trên đây là một số tư vấn của Luật Bạch Long. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Xem thêm:
Tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự?
Quy định của pháp luật về Tội cướp giật tài sản?
Tội tham ô tài sản theo quy định của Bộ luật HÌnh sự năm 2015 – phần 1
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!