Hiện nay, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội khi bị người thực thi công vụ phát hiện thường có dấu hiệu bỏ trốn, thậm chí chống trả khiến cho người thực thi công vụ phải sử dụng những biện pháp cưỡng chế để buộc các đối tượng phải chấp hành. Trong quá trình cưỡng chế, người thực thi công vụ có thể gây ra cái chết cho các đối tượng phạm tội.
Do đó, Luật Bạch Long xin đưa ra các tư vấn pháp lý liên quan đến cấu thành cơ bản và khung hình phạt đối với Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo quy định pháp luật để mọi người ý thức và hạn chế tình trạng trên.
1. Căn cứ pháp lý
Điều 127 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
“Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Nội dung tư vấn
2.1. Các yếu tố cấu thành tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Chủ thể tội :
Là chủ thể đặc biệt cụ thể là người đang thi hành một công vụ (nhiệm vụ công). Công vụ này có thể là đương nhiên do nghề nghiệp hoặc do công tác quy định như: cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, hải quan, bảo vệ v.v…
Ngoài ra, cũng có thể được coi là chủ thể của tội phạm này nếu những người tuy không có nhiệm vụ, nhưng đã tham gia đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến lợi ích Nhà nước hoặc lợi ích hợp pháp của công dân.
Khách thể:
Là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội phạm là con người
Mặt chủ quan:
Lỗi của người phạm tội là lỗi có ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý.
Lỗi cố ý gián tiếp: là trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi dùng vũ lực mà mình thực hiện chứa đựng nguy cơ gây thiệt hại về tính mạng đối với người khác nhưng chấp nhận hậu quả đó với mong muốn thực hiện nhiệm vụ.
Lỗi vô ý: là trường hợp khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, người phạm tội tin rằng, hành vi của mình không gây ra hậu quả chết người hoặc do cẩu thả đã không thấy trước khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù có thể thấy trước và phải thấy trước.
Động cơ của người phạm tội là nhằm thực hiện công vụ. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Mặt khách quan:
Hành vi dùng vũ lực xâm phạm tính mạng của người khác trước hết là hành vi sử dụng vũ khí ngoài các trường hợp pháp luật cho phép. Người sử dụng các loại vũ khí thuộc loại phải có giấy phép sử dụng hoặc được cơ quan có thẩm quyền giao cho sử dụng mà xâm phạm tính mạng, sức khoẻ người khác trong khi thi hành công vụ mới thuộc trường hợp phạm tội quy định tại điều này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp người không được giao vũ khí và cũng không có quyền sử dụng vũ khí, nhưng trong lúc làm nhiệm vụ, hoàn cảnh cụ thể buộc họ phải sử dụng vũ khí thì thực tiễn xét xử cũng chấp nhận họ phạm tội trong khi thi hành công vụ.
Ngoài hành vi sử dụng vũ khí, còn có nhưng người không được giao vũ khí và trong khi thi hành công vụ họ cũng không sử dụng vũ khí mà chỉ sử dụng những công cụ cầm tay như gậy gộc, thậm chí chỉ dùng chân tay. Nhưng họ được giao nhiệm vụ hoặc tự nguyện tham gia cùng với người làm nhiệm vụ mà gây chết người, gây thương tích cho người khác thì cũng được coi là phạm tội trong khi thi hành công vụ.
2.2. Về phía nạn nhân
Nạn nhân ( người bị hại ) là những người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích mà người phạm tội có nhiệm vụ bảo vệ. Hành vi xâm phạm đến các lợi ích đó phải là hành vi trái pháp luật. Ví dụ: Một người vừa trộm cắp xe đạp đang chạy trốn; một lái xe chở hàng lậu không chịu dừng xe để kiểm tra; một người không chấp hành lệnh khám nhà, khám người, khám đồ vật của cơ quan điều tra v.v…
Tuy nhiên, cũng có trường hợp nạn nhân không có hành vi trái pháp luật, nhưng họ bị chết hoặc bị thương là vì hành vi của người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích cần được bảo vệ. Ví dụ: một người đi nhờ xe chở hàng lậu, người lái xe đã cố tình không chấp hành lệnh kiểm tra mà lái xe chạy trốn, buộc người làm nhiệm vụ phải nổ súng buộc xe dừng lại, nhưng đạn trúng người đi nhờ xe làm người này bị chết.
2.3. Hình phạt
Nếu người thi hành công vụ do sử dụng vũ khí hoặc vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép mà chỉ làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 127 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng.
Quy định này của BLHS 2015 đã tăng mức hình phạt so với BLHS 1999 từ 02 năm đến 07 năm lên thành 05 năm đến 10 năm.
Theo quy định tại khoản 2 điều 127 BLHS về tội phạm này thì trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 02 người trở lên hoặc đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
Cần lưu ý, trường hợp tăng nặng phạm tội từ 02 người trở kên thì những người bị chết đều phải là những người do hành vi của một người trong khi thi hành công vụ gây ra. Nếu do hành vi của nhiều người trong khi thi hành công vụ và hành vi của mỗi người chỉ gây ra cái chết cho một người thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà vẫn thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 127 Bộ luật hình sự.
Trên đây là một số tư vấn của Luật Bạch Long. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
BÀI VIẾT THAM KHẢO:
Thủ tục hoãn chấp hành hình phạt tù
Có được thuê người mang thai hộ?
Xử lý hành vi tống tình người yêu cũ bằng clip nhạy cảm?
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!