Thực tế hiện nay, hiện tượng kết hôn trái pháp luật vẫn đang diễn ra thường xuyên. Từ đó đòi hỏi phải có những quy định sát sao, rõ ràng về các vấn đề liên quan đến kết hôn trái pháp luật và các hình thức xử lý tương ứng.
1. Một số vấn đề chung về kết hôn trái pháp luậ
1.1. Khái niệm kết hôn trái pháp luật
1.1.1. Khái niệm kết hôn
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Như vậy, việc một nam và một nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật được gọi là kết hôn. Hầu hết tất cả mọi công dân trong xã hội đều nhận thức được rằng nam nữ chính thức trở thành vợ chồng thông qua việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền[1].
Việc kết hôn phải đảm bảo ít nhất là 2 yếu tố, bao gồm:
+ Việc kết hôn là ý chí tự nguyện của bên nam và bên nữ;
+ Việc kết hôn phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn, đồng thời hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn. Điều này giúp bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của vợ và chồng, là cơ sở để Nhà nước tiến hành quản lý các quan hệ hôn nhân phát sinh.
1.1. 2. Khái niệm kết hôn trái pháp luật
Nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà vi phạm một trong các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì sẽ bị coi là kết hôn trái pháp luật. Xét trên những khía cạnh như pháp luật, đạo đức, và quy luật tự nhiên, việc kết hôn sẽ được coi là trái pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Nam, nữ kết hôn khi chưa đạt độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (hay tảo hôn);
- Thiếu sự tự nguyện của một bên hoặc của cả hai bên nam nữ khi kết hôn: một hoặc cả hai bên bị cưỡng ép kết hôn trái ý muốn, hoặc một hoặc cả hai bên bị lừa dối nên đã kết hôn;
- Kết hôn giả tạo;
- Người mất NLHVDS mà kết hôn;
- Người đang có vợ (có chồng) kết hôn với người khác;
- Giữa những người có dòng máu về trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời mà kết hôn với nhau;
- Cha mẹ nuôi kết hôn với con nuôi, người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; bố dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng kết hôn với nhau;
- Hai người cùng giới tính kết hôn với nhau.
2. Các cách thức xử lý đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, Bộ luật Hình sự và Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có 5 cách thức xử lý việc kết hôn trái pháp luật bao gồm: Hủy kết hôn trái pháp luật; Công nhận quan hệ hôn nhân; Giải quyết ly hôn; Xử lý hành chính; Xử lý hình sự.
2.1. Hủy kết hôn trái pháp luật
Đây là biện pháp trước tiên được áp dụng khi có sự việc kết hôn trái pháp luật. Chưa có quy định cụ thể về khái niệm hủy kết hôn trái pháp luật, nhưng có thể hiểu hủy kết hôn trái pháp luật là biện pháp xử lý có ý nghĩa như chế tài được áp dụng đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật; Nhà nước không thừa nhận có quan hệ vợ chồng tồn tại trong kết hôn trái pháp luật và buộc hai bên kết hôn trái pháp luật phải chấm dứt hành vi kết hôn trái pháp luật đó[2].
Các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:
– Trường hợp nam, nữ có đăng ký kết hôn nhưng việc kết hôn đăng ký tại không đúng cơ quan có thẩm quyền (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không), và một trong hai bên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ đồng thời hủy Giấy chứng nhận kết hôn và thông báo cho cơ quan hộ tịch đã đăng ký kết hôn để xử lý theo quy định;
– Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ.
– Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn, tuy nhiên nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
– Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn:
+ Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
+ Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
– Căn cứ hủy kết hôn trái pháp luật: Tòa sẽ phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự, điều kiện kết hôn (quy định tại Điều 8) và đường lối xử lý việc hủy kết hôn trái pháp luật (quy định tại Điều 11).
– Người có quyền yêu cầu hủy: Thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Cụ thể:
+ Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị các cá nhân (cha, mẹ, con, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật,…) và các tổ chức như Hội liên hiệp phụ nữ, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em,…theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự;
+ Các cá nhân, cơ quan, tổ chức như vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự.
– Thẩm quyền ban hành quyết định hủy kết hôn trái pháp luật: Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền, xem xét, xử lý việc hủy kết hôn.
– Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật:
Dễ thấy nhất chính là hai bên kết hôn sẽ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng[3]. Theo đó, quan hệ hôn nhân giữa hai bên sẽ bị buộc chấm dứt theo quyết định của Tòa, xem như quan hệ hôn nhân đó chưa từng tồn tại. Nếu trong ly hôn, dù chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng quan hệ đó đã từng được công nhận và chấm dứt kể từ thời điểm có phán quyết ly hôn của Tòa, thì hủy kết hôn trái pháp luật sẽ coi như hai bên chưa từng có quan hệ hôn nhân. Đối với tài sản, trước tiên pháp luật sẽ ưu tiên việc phân chia tài sản theo thỏa thuận. Cách thức giải quyết tương tự như trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn[4].
Đọc thêm:
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con của Tòa án;
Quy định của pháp luật về ly thân như thế nào?
Xét xử ly hôn khi vắng mặt chồng hoặc vợ.
2.2. Công nhận quan hệ hôn nhân
Trong quá trình xét xử về việc hủy kết hôn trái pháp luật, nếu Tòa xét thấy hai bên kết hôn đã có đủ điều kiện kết hôn tại Điều 8 và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ công nhận quan hệ hôn nhân đó[5]. Hai bên được coi là đủ điều kiện kết hôn khi: Người kết hôn đã đủ tuổi kết hôn; hành vi cưỡng ép, lừa dối đã không còn; các bên không còn thuộc trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật.
Có thể xuất phát điểm của cuộc hôn nhân không vì mục đích xây dựng một mái ấm chung hay vì tình yêu, nhưng trong quá trình chung sống với nhau như vợ chồng, hai bên lại nảy sinh tình cảm và muốn duy trì cuộc hôn nhân này. Chính vì vậy, họ muốn công nhận quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hai bên phải đủ điều kiện kết hôn để được công nhận quan hệ hôn nhân; những trường hợp như kết hôn với người đã có vợ/có chồng, hoặc hôn nhân đồng tính, kết hôn với người có quan hệ họ hàng máu mủ, v.v. thì chắc chắn sẽ không thể công nhận được vì vẫn vi phạm điều kiện kết hôn tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
– Căn cứ công nhận quan hệ hôn nhân: Khi cả hai bên nam, nữ đã thỏa mãn điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
– Người có quyền yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân: Các bên trong quan hệ hôn nhân có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân. Lưu ý rằng phải cả hai bên phải cùng yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân; nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
– Thẩm quyền công nhận quan hệ hôn nhân: Tòa án là chủ thể có thẩm quyền công nhận quan hệ hôn nhân (Tương tự như thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật).
– Hậu quả pháp lý của việc công nhận quan hệ hôn nhân: là quan hệ hôn nhân của hai bên vợ, chồng sẽ được tính từ thời điểm việc kết hôn được xác lập[6]. Nếu sau khi yếu tố “trái pháp luật” đã không còn, mà một thời gian dài sau vợ chồng quyết định ly hôn thì tòa sẽ xét xử theo thủ tục ly hôn mà không ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật[7].
2.3. Giải quyết ly hôn
Ngoài công nhận quan hệ hôn nhân, đối với những cặp đôi khi kết hôn chưa đủ điều kiện kết hôn, nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn, thì Tòa cũng có thể xử lý cho vợ chồng ly hôn. Cụ thể, trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
– Hậu quả pháp lý của việc giải quyết ly hôn:
Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình[8].
2.4. Xử lý hành chính
Ngoài các cách thức xử lý như trên, có một số trường hợp kết hôn trái pháp luật có thể bị xử phạt hành chính. Các trường hợp đó bao gồm: tảo hôn, vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, kết hôn giả tạo, v.v. Ví dụ, theo quy định tại Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, nếu người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nếu chỉ giải quyết về mặt dân sự, quan hệ hôn nhân và các quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản là chưa đủ đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Cần phải có những chế tài mang tính răn đe, đánh vào lợi ích của các chủ thể vi phạm pháp luật để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về hôn nhân và gia đình trên thực tế.
2.5. Xử lý hình sự
Một số trường hợp kết hôn trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được quy định tại Chương XVII Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Các trường hợp gồm cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181), tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (Điều 182), tội tổ chức tảo hôn (Điều 183). Nếu có việc kết hôn giữa những người cùng trực hệ, đó có thể được khép vào Tội loạn luân tại Điều 184 bộ luật này.
Những tội danh này quy định về những hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình một cách nghiêm trọng, đồng thời vi phạm đến truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục, trật tự văn minh xã hội, đi ngược lại với quy luật phát triển của xã hội. Như vậy, việc quy định những trường hợp kết hôn trái pháp luật này là tội phạm trong Bộ luật hình sự là việc thiết thực.
Trên đây là quan điểm của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
________________________________________________________________________________________________
[1] Nguyễn Tuấn Anh, Hủy kết hôn trái pháp luật và hậu quả pháp lý, luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội – 2016, Tr. 8
[2] Nguyễn Tuấn Anh, Hủy kết hôn trái pháp luật và hậu quả pháp lý, luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội – 2016, Tr. 16
[3] Khoản 1 Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[4] Quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, dẫn chiếu sang Điều 16
[5] Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[6] Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[7] Cụ thể về các trường hợp yêu cầu được quy định thêm tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
[8] Điểm c Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP