Luật Bạch Long đưa ra một số tư vấn pháp lý liên quan đến hành vi cướp giật tài sản
Câu hỏi: Chào luật sư, em có 1 người bạn cướp giật dây chuyền của khách đi đường nhưng không thành công. Vô tình bị công an xem camera đường nhìn thấy. Do bạn em túng thiếu tiền bạc nên làm liều. Hiện đang bị tạm giam 4 tháng chờ tòa xét xử. Vậy bạn em có phạm tội cướp giật không và có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Bạch Long. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2015; được sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao ngày 15/05/2018 hướng dẫn áp dụng điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.
2. Luật sư tư vấn:
2.1. Trách nhiệm hình sự khi cướp giật tài sản không thành
Căn cứ theo Điều 171 của BLHS năm 2015 tội cướp giật được quy định như sau: “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm….”
Các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản:
– Về mặt khách thể: Tội cướp giật tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản.
– Về mặt chủ thể: Chủ thể thực hiện tội cướp giật tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên và người từ đủ 14 đến dưới 16 trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
– Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác một cách nhanh chóng. Người phạm tội lợi dụng sơ hở của chủ tài sản và nhanh chóng tiếp cận và chiếm đoạt tài sản bằng hành vi: giật lấy, giằng lấy…
Dựa vào quy định của Bộ luật hình sự có thể thấy tội cướp giật chỉ cần thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan là hành vi cướp giật mà không yêu cầu về hậu quả là tài sản thiệt hại phải có giá trị bao nhiêu, vì thế đây là tội phạm có cấu thành hình thức.
– Về mặt chủ quan người thực hiện hành vi cướp giật thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp.
Vì tội cướp giật là tội có cấu thành hình thức nên việc cướp giật mà chưa lấy được tài sản sẽ bị coi là trường hợp phạm tội chưa đạt. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt, nên bạn của bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản.
2.2. Hình phạt áp dụng với tội phạm chưa đạt
Theo nguyên tắc của BLHS thì mặc dù cùng phải chịu trách nhiệm về cùng một tội, nhưng người phạm tội chưa đạt và người phạm tội hoàn thành sẽ có mức hình phạt khác nhau, người phạm tội chưa đạt sẽ có mức phạt thấp hơn.
Hình phạt đối với trường hợp phạm tội cướp giật tài sản chưa đạt được quyết định theo khoản 1 Điều 171 BLHS với mức phạt từ 01 năm đến 05 năm tù. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng Hội đồng xét xử sẽ tuyên mức phạt hợp lý.
Tuy nhiên điều luật quy định mức phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt áp dụng với người phạm tội chưa đạt là không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
2.3. Phạm tội cướp giật tài sản chưa đạt có thể hưởng án treo không?
Xét thấy trường hợp của bạn bạn, khả năng được xem xét hưởng án treo là cao. Bạn cần lưu ý, án treo không phải là một hình phạt mà là một hình thức miễn chấp hành phạt tù có điều kiện; có nghĩa vẫn bị tuyên án phạt tù có thời hạn nhưng xét thấy không cần thiết phải bắt áp dụng hình phạt tù Tòa án mới quyết định cho hưởng án treo.
– Điều kiện để hưởng án treo:
1. Có mức phạt tù không quá 3 năm
Đối với tình huống trên, mức phạt áp dụng là từ 1 năm đến 5 năm tù, giả sử Tòa án áp dụng mức phạt là 04 năm tù, thì theo nguyên tắc đã phân tích ở trên thì bạn chỉ bị phạt bằng 2/3 mức phạt này, nghĩa là khoảng 02 năm 06 tháng- thỏa mãn điều kiện là mức phạt tù không quá 03 năm – tội phạm ít nghiêm trọng.
2. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ
Tình tiết giảm nhẹ được áp dụng trong trường hợp xin hưởng án treo phải căn cứ theo quy định của Điều 51 Bộ luật hình sự mới được chấp nhận, trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng thì ít nhất phải có hai tình tiết giảm nhẹ, đối chiếu với hoàn cảnh của bạn thì đang có hai tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự:
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
Như vậy về yếu tố tình tiết giảm nhẹ, bạn cũng có thể thỏa mãn thỏa mãn.
3. Nhân thân tốt
Được biểu hiện bằng việc chấp hành tốt chính sách pháp luật, đây là lần đầu vi phạm; để chứng minh việc này bạn cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi cư trú để nộp cho Tòa án
4. Có nơi cư trú rõ ràng
Sẽ chứng minh bằng sổ hộ khẩu hoặc xác nhận tạm trú thường xuyên trên địa bàn một xã, phường.
Nếu đảm bảo được cả 4 yếu tố trên thì bạn sẽ được hưởng án treo.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp
Luật sư Long Xuân Thi
+84 – 097866929
Email: Luatbachlong@gmail.com