Giám đốc thẩm có vai trò rất quan trọng trong tố tụng dân sự, góp phần bảo vệ lợi ích công dân, thực thi pháp luật, bảo vệ công lý. Trong bài viết này, Luật Bạch Long xin đưa ra một số phân tích và đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về kháng nghị giám đốc thẩm. Bài viết sẽ chia làm ba phần để các bạn có thể tìm hiểu từ căn bản cho tới thực tế.
ĐỌC THÊM:
Bình luận quy định của pháp luật Tố tụng Dân sự về kháng nghị giám đốc thẩm (p2)
Bình luận quy định của pháp luật Tố tụng Dân sự về kháng nghị giám đốc thẩm (p1)
Ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp được phân loại như thế nào?
e. Thời hạn kháng nghị, thay đổi, bổ sung và rút kháng nghị giám đốc thẩm
Thứ nhất, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm dân sự theo quy định BLTTDS 2015.
BLTTDS 2015 quy định việc kháng nghị phải được tiến hành trong thời gian nhất định. Việc quy định như vậy là đảm bảo tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Điều 334 quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo đó: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp sau:
Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:
Đương sự đã có đơn đề nghị có nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật TTDS 2015 và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Thứ hai, về thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của BLTTDS 2015
Tại điều 335 BLTTDS 2015 có quy định về thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm như sau:
Người đã kháng nghị giám đốc thẩm có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 334 của Bộ luật này. Việc thay đổi, bổ sung phải được thực hiện bằng quyết định. Quyết định thay đổi, bổ sung kháng nghị phải được gửi theo quy định tại Điều 336 của Bộ luật này.
Người đã kháng nghị có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm. Việc rút kháng nghị phải được thực hiện bằng quyết định.
Khi nhận được quyết định rút toàn bộ kháng nghị, Tòa án giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét xử giám đốc thẩm.
f. Hình thức kháng nghị và gửi quyết định kháng nghị
Sau khi kiểm tra hồ sơ vụ án, nếu có căn cứ quyết định kháng nghị thì người có thẩm quyền kháng nghị sẽ tiến hành kháng nghị bằng văn bản thể hiện dưới dạng quyết định kháng nghị.
Để đảm bảo việc xét lại bản án,quyết định kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, quyết định kháng nghị phải gửi ngay cho Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đương sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người có nội dung liên quan đến việc kháng nghị.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
g. Hoãn và tạm đình chỉ thi hành án
Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Việc ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ việc thi hành án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Khi xuất hiện những tình tiết, sự kiện làm cho việc thi hành án chưa thể tiếp tục được. Nếu cơ quan thi hành án bất chấp những sự kiện này và mặc nhiên tiến hành thi hành án thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do vậy cơ quan thi hành án cần thiết phải hoãn, tạm đình chỉ thi hành án cho đến khi có đủ điều kiện để tiếp tục thi hành bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó. Tòa án sẽ tuyên bố hoãn, tạm đình chỉ việc thi hành án trong một thời gian nhất định cho đến khi các tình tiết sự kiện là nguyên nhân dẫn tới việc không đảm bảo việc thi hành án cũng như quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự không còn tồn tại nữa. Như vậy , việc hoãn , tạm đình chỉ thi hành án dân sự là cần thiết, tránh gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của các đương sự.
2. Thực tiễn áp dụng thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm
Theo số liệu báo cáo của ngành Tòa án,trong những năm gần đây, lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm dân sự như sau:năm 2018 là 16.782 đơn; năm 2019 -18.112 đơn, trong đó, số đơn được giải quyết trong năm 2018 là 6.408 đơn, chấp nhận kháng nghị 616 đơn chiếm 9,6%; năm 2019 là 9.198 đơn, chấp nhận kháng nghị 491 đơn, chiếm 5,3%; Con số nêu trên cho thấy, tình trạng gia tăng đơn đề nghị giám đốc thẩm và tỷ lệ đơn được chấp nhận kháng nghị còn thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này làquy định của BLTTDS 2015 về căn cứ kháng nghị chưa rõ. Như đã đề cập ở trên đây, một trong những căn cứ kháng nghị là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản giải thích cụ thể thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Bên cạnh đó, theo quy định của khoản 1 Điều 327 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng theo thủ tục gđt. Đối với những trường hợp này, Tòa án sẽ tiến hành xem xét đơn yêu cầu và tiến hành các thủ tục theo quy định của Điều 329 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 334 BLTTDS 2015, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 03 năm và trong một số trường hợp có thể kéo dài thêm 02 năm. Như vậy, nếu đương sự gửi đơn đề nghị sau thời hạn 01 năm thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xử lý đơn trong trường hợp này như thế nào?Vấn đề này hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, quy định thời gian kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên cũng để lại nhiều hệ lụy, nhất là đối với công tác thi hành án, người phải thi hành án có tư tưởng trông chờ, cố tình trì hoãn không chấp hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, từ đó gây không ít khó khăn cho cơ quan thi hành án. Việc quy định thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm quá dài cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc khắc phục hậu quả đối với những bản án đã tổ chức thi hành xong, như trong trường hợp người được thi hành án nhận được tài sản hoặc cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án bằng hình thức bán đấu giá tài sản và người thứ ba mua được tài sản trong trường hợp này. Tuy nhiên, bản án sau đó bị kháng nghị giám đốc thẩm hủy án thì việc xử lý tài sản đã thi hành án là điều không dễ dàng, mà người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là người phải thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!