Xin chào Luật sư! Cho tôi hỏi chi nhánh công ty nước ngoài kinh doanh dịch vụ tư vấn thiết kế phải chịu các loại thuế gì tại Việt Nam. Hoặc nếu không thành lập chi nhánh mà thành lập công ty con tại Việt Nam thì công ty con phải chịu những loại thuế gì? Tôi xin cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi. Sau khi xem xét vấn đề bạn đưa ra, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, Công ty Luật TNHH Bạch Long sẽ đưa ra một số tư vấn như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Chi nhánh của công ty nước ngoài phải nộp những loại thuế gì?
– Thuế thu nhập doanh nghiệp
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
“1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
d) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:
– Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu, khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam;”
Như vậy, chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Thuế suất thuế TNDN là 20%.
Thuế thu nhập doanh nghiệp = (Thu nhập tính thuế – các khoản trích lập KH&KT ) x thuế suất.
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển – thu nhập miễn thuế
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – chi phí hợp lý được trừ + Thu nhập khác) * Thuế giá trị gia tăng
Khoản 3 Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về người nộp thuế GTGT bao gồm:
“3. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;”
Như vậy, chi nhánh của công ty nước ngoài đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thuộc trường hợp tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam (Chi nhánh không có tư cách pháp nhân).Vậy chi nhánh là người nộp thuế GTGT.
Mức thuế suất cụ thể sẽ phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh cụ thể. Trường hợp chi nhánh có cung cấp dịch vụ thiết kế thì thuế suất thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ là 10%, thuế suất tính theo phương pháp trực tiếp là 5%.
– Thuế thu nhập cá nhân của Người lao động
Căn cứ thông tư 111/2013/TT-BTC và thông tư 156/2013/TT-BTC thì tổ chức chi trả thu nhập khi trả thu nhập cho người lao động phải tiến hành khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động (nếu có) và kê khai, nộp số thuế đó theo quy định của pháp luật.
Nếu như chi nhánh hoạt động tại Việt Nam, có trực tiếp sử dụng lao động và trả thu nhập cho người lao động thì sẽ phải có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thay thuế TNCN cho người lao động.
Về thuế suất thuế thu nhập cá nhân:
+ Nếu người lao động ký HĐLĐ dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động thì khấu trừ thuế TNCN là 10%
+ Nếu người lao động ký HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên thì khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần
+ Nếu người lao động là cá nhân không cư trú của Việt Nam thì khấu trừ thuế TNCN là 20%
– Lệ phí môn bài
Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về người nộp lệ phí môn bài gồm:
“6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).”
Mức thu lệ phí môn bài đối với chi nhánh là 1.000.000 đồng.
– Ngoài ra, đối với những hoạt động đặc thù khác như xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì công ty ở Việt Nam sẽ phải nộp các loại thuế tương ứng với từng loại hình theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Giả sử Doanh nghiệp A thành lập Công ty con tại Việt Nam. Hoạt động tương tự như của chi nhánh. Vậy thì các loại thuế phải nộp của công ty con này là gì?
– Về các loại thuế phải nộp: Thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam như phần 1 nêu trên.
Ngoài ra, đối với những hoạt động đặc thù khác như xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì công ty ở Việt Nam sẽ phải nộp các loại thuế tương ứng với từng loại hình theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên có khác về người nộp thuế, không phải là tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam nữa, mà là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
– Về lệ phí môn bài: Có 2 bậc: Bậc 1 là 3.000.000đ và bậc 2 là 2.000.000đ tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của công ty con.
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
Doanh nghiệp tự xác định vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ của mình để xác định mức lệ phí môn bài phải nộp.
Đọc thêm:
Điểm mới nổi bật tại Nghị định 31 hướng dẫn Luật đầu tư
Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư là bao nhiêu năm?
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long về một số quy định về chi nhánh công ty nước ngoài phải nộp các loại thuế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!