Luật Bạch Long đưa ra tư vấn về Điểm mới về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác.
- Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Tố tụng hình sự 19/2003/QH11 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
– Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015.
- Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 83 BLTTHS năm 2015 có quy định như sau:
“Điều 83. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là:
- a) Luật sư;
- b) Bào chữa viên nhân dân;
- c) Người đại diện;
- d) Trợ giúp viên pháp lý…”
Như vậy, nhằm đảm bảo hiệu quả của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, BLTTHS năm 2015 đã trao cho Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố các quyền: (i) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; (ii) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (iii) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; (iv) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; (v) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ: Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án; giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ (Khoản 4 Điều 83 BLTTHS năm 2015).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Nghiên cứu, so sánh với quy định tại Điều 59 BLTTHS năm 2003, thì Điều 84 BLTTHS năm 2015 có một số thay đổi, bổ sung như sau:
– Theo quy định tại Điều 59 BLTTHS năm 2003 thì đương sự có thể là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. BLTTHS năm 2015 quy định đương sự chỉ gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự (điểm g khoản 1 Điều 4).
– Điều 84 BLTTHS năm 2015 đã có định nghĩa về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (khoản 1). Theo đó: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
– So với Điều 59 BLTTHS năm 2003, Điều 84 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung Trợ giúp viên pháp lý có thể là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (khoản 3). Sự bổ sung này nhằm phù hợp với quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý cũng như bảo đảm quyền lợi cho bị hại, đương sự thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý: Có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật (Điều 19 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017).
– Tại khoản 3 Điều 84 BLTTHS năm 2015 cũng có sự bổ sung một số quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự nhằm đảm bảo cho họ thực hiện tốt hơn việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, gồm: (i) Đưa ra chứng cứ; (ii) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (iii) Yêu cầu giám định, định giá tài sản; (iv) Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; (v) Không chỉ người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch như BLTTHS năm 2003 mà BLTTHS năm 2015 còn quy định người bảo vệ quyền lợi của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có quyền này; (vi) BLTTHS năm 2015 thay đổi cụm từ “người chưa thành niên” bằng cụm từ “người dưới 18 tuổi” đảm bảo sự đồng bộ với các quy định khác của BLTTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp
Luật sư Long Xuân Thi
+84 – 097866929
Email: Luatbachlong@gmail.com