Bên cạnh việc đưa ra khái niệm thế nào là “người làm việc không có quan hệ lao động”, Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức định nghĩa: Phân biệt đối xử trong lao động và quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
1. Phân biệt đối xử trong lao động
Phân biệt đối xử trong lao động là gì?
Đây là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình-trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hộị việc làm hoặc nghề nghiệp.
Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử” (khoản 8, Điều 3, Bộ luật lao động năm 2019).
Theo đó, các quy định về hành vi này được cụ thể trong các nội dung của Bộ luật lao động (BLLĐ).
– Hành vi “phân biệt đối xử trong lao động” là một hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8, BLLĐ năm 2019);
– Người lao động có quyền không bị phân biệt đổi xử (Điều 5) kể cả người lao động làm việc không trọn thời gian (Điều 32, BLLĐ 2019).
– Bên thuê lại lao động không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình (Điều 57, BLLĐ năm 2019).
– Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau (Điều 90, BLLĐ năm 2019).
Nghiêm cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:
a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt họp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động. Đồng thời tránh can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Điều 175, BLLĐ năm 2019).
Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí, thì có thể làm phát sinh tranh chấp lao động (Điều 179, BLLĐ năm 2019).
2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là “hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động” (khoản Điều 3, Bộ luật lao động năm 2019).
Theo đó, hành vi “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là một hành vi bị nghiêm cấm trong lao động (Điều 8)
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 6, Bộ luật lao động năm 2019).
Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được bổ sung thêm vào nội dung của thương lượng tập thể (Điều 67,Bộ luật lao động năm 2019) và phải được thể hiện trong nội quy lao động (Điều 118, Bộ luật lao động năm 2019).
Hành vi “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được quy định trong nội quy lao động là một trong những cơ sở để sa thải người lao động nếu vi phạm (Điều 125, BLLĐ năm 2019).
Trường hợp người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng (điểm d khoản 2 Điều 35).
CÔNG TY LUẬT TNHH LUẬT BẠCH LONG
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com