Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) ra đời đã thừa kế và có những đội phá mới trong hoạt động tố tụng, trong đó thì có ghi nhận một điều là mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Đây là một nguyên tắc đã được ghi nhận từ những trước qua cả bản Hiến pháp và giờ đây thì được cụ thể hoá qua bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Vậy nội dung của nguyên tắc này là gì? Và để đảm bảo cho nguyên tắc này được thực hiện trong thực tế thì cần khắc phục điểm nào. Trong bài viết này Luật Bạch Long sẽ gửi tới quý vị bài viết về vấn đề “Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công khai, công bằng và điều kiện đảm bảo thực hiện” Bài biết chia làm 03 phần để quý vị có thể dễ theo dõi hơn.
ĐỌC THÊM:
Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công khai, công bằng và điều kiện đảm bảo thực hiện (p1)
Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công khai, công bằng và điều kiện đảm bảo thực hiện (p3)
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (p1)
- Nội dung của nguyên tắc toà án xét xử kịp thời, công khai,công bằng.
Điểm mới trong BLTTHS năm 2015 là việc bổ sung hai yêu cầu khác của hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án đó là yêu cầu phải xét xử kịp thời và công bằng. Việc bổ sung hai yêu cầu này vào tên gọi cũng như nội dung nguyên tắc tại Điều 24 BLTTHS năm 2015 bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo đảm quyền con người trong TTHS.
Kịp thời, công bằng, công khai là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ. Trong tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng, công khai được hiểu như một tư tưởng xuyên suốt quá trình tổ chức và hoạt động của nó. Do vậy, Hiến pháp nước ta ghi nhận nguyên tắc đó và BLTTHS 2015 cụ thể hóa và coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.
Theo mô hình tố tụng tranh tụng, quá trình điều tra làm rõ vụ án diễn ra thông qua phiên tòa công khai nên nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng, công khai của Tòa án sẽ bảo đảm cho toàn bộ tiến trình giải quyết vụ án khẩn trương, nhanh chóng.
Thứ nhất, Xét xử kịp thời không chỉ là nguyên tắc trong xét xử mà còn là một trong những nguyên tắc bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. Bởi lẽ, mặc dù người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục luật định và có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, không có nghĩa quyền cơ bản của họ không bị ảnh hưởng. Trong quá trình tố tụng, các biện pháp cưỡng chế tố tụng, biện pháp ngăn chặn hoàn toàn có thể được áp dụng đối với người bị buộc tội khi có căn cứ luật định, dẫn đến một số quyền con người của họ bị hạn chế. Do đó, quá trình giải quyết vụ án hình sự càng kéo dài, việc xét xử không kịp thời trong mọi trường hợp đều gây ảnh hưởng bất lợi đến đối tượng bị buộc tội. Vì vậy, yêu cầu Tòa án phải bảo đảm xét xử kịp thời trong thời hạn luật định đã nguyên tắc hướng tới bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTHS.
Xét xử kịp thời, tòa án sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết trong nhiều trường hợp tòa tuyên họ vô tội, trả tự do và khôi phục quyền lợi cho họ. Khoản 3 Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Bất cứ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được sớm đưa ra toà án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do…”.
Việc xét xử kịp thời không chỉ có ý nghĩa đối với người bị buộc tội mà còn có ý nghĩa đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của tố tụng hình sự, bảo đảm xử lí tội phạm nhanh chóng, mặt khác giúp cho các quan hệ xã hội, trật tự xã hội sớm được ổn định, các thiệt hại do tội phạm gây ra được khắc phục kịp thời, bảo đảm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, Xét xử công bằng được hiểu là xét xử “theo đúng lẽ phải, không thiên vị”. Điều này có nghĩa là, trong hoạt động xét xử, Tòa án phải bảo đảm xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, dân tộc của người bị buộc tội. Trên một phương diện nào đó, có thể coi đây là sự cụ thể hóa nội dung của nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật ghi nhận tại Điều 9 Bộ luật TTHS năm 2015. “Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.
Nguyên tắc này đòi hỏi tòa án xét xử công bằng. Thể hiện, người bị buộc tội phải được xét xử bởi một phiên tòa mà ở đó họ được thực hiện các quyền của mình trong tố tụng hình sự mà Hiến pháp và pháp luật quy định như: Được biết lý do mình bị khởi tố; được thông báo về phiên tòa; được bào chữa hay nhờ người bào chữa (Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn), được tranh luận tại phiên tòa, đưa ra các chứng cứ và yêu cầu, được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý…
Phiên tòa công bằng là phiên tòa mà ở đó quyền của các bên tham gia tố tụng được đảm bảo và đúng trình tự, thủ tục luật định, cụ thể như:
Được có mặt trong khi xét xử ( quyền được tham gia phiên tòa). Tạo điều kiện để bị cáo thực hiện các quyền tố tụng quan trọng của mình như quyền bào chữa, quyền tranh luận, quyền đưa ra tài liệu, chứng cứ để Hội đồng xét xử có sự nhìn nhận, đánh gia khách quan, từ đó quyền lợi hợp pháp của bị cáo sẽ được bảo đảm hơn;
Được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình để đưa ra những lý lẽ, lập luận chứng minh mình không phạm tội , không liên quan đến vụ án hoặc giảm nhẹ hình phạt; không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội, được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả. Đây là quy định để bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền cá nhân và góp phần ngăn ngừa, kiểm soát việc lạm quyền, vi phạm pháp luật của các cá nhân trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong vụ án hình sự, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tinh thần hoặc thể chất, nếu bị cáo hoặc người nhà của bị cáo không mời luật sư bào chữa, thì cơ quan có thẩm quyền phải chỉ định người bào chữa cho họ.
Được trình bày ý kiến, quan điểm, tranh luận tại phiên tòa, thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên tòa và thẩm vấn họ tại tòa với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình.
Đồng thời, tố tụng áp dụng đối với những người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ. Bất cứ người nào bị kết án là phạm tội đều có quyền yêu cầu tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp luật.
Khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định chung thẩm và sau đó bản án bị hủy bỏ, hoặc người đó được tha trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan, thì người đã phải chịu hình phạt theo bản án trên, theo luật, có quyền yêu cầu được bồi thường, trừ trường hợp cơ quan tố tụng chứng minh rằng việc sự thật không được làm sáng tỏ tại thời điểm đó hoàn toàn hoặc một phần là do lỗi của người bị kết án gây ra.
Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Quyền được xét xử kịp thời, công bằng là một nhân quyền cơ bản và có tính phổ quát cao, tồn tại trong các vụ án hình sự. Việc đối xử với một người khi họ bị buộc tội phản ánh rõ Nhà nước tôn trọng nhân quyền đến mức nào, bởi vậy, quyền được xét xử công bằng đã được coi là một hòn đá tảng của các xã hội dân chủ. Giống như đặc tính của mọi nhân quyền là phụ thuộc lẫn nhau, quyền được xét xử công bằng với các quyền khác có mối quan hệ hai chiều. Một phiên tòa công bằng, là yếu tố thiết yếu để đảm bảo các quyền cơ bản khác của con người như quyền sống, quyền được an toàn về thân thể, tự do ngôn luận…
Thứ ba, Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự. Thông thường, việc xét xử được tiến hành ở trụ sở của Tòa án. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án mời, triệu tập để xét hỏi (khoản 5 Điều 246 BLTTHS 2015). Tuy nhiên, thực tế đối với những vụ án quan trọng, số người muốn tham dự đông, Tòa án chỉ có thể mời một số đại biểu cơ quan, đoàn thể và cho phép một số người vào tham dự để phù hợp với chỗ ngồi của phòng xử án để đảm bảo trật tự phiên tòa. Trong trường hợp đặc biệt thì Tòa án có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai; đó là những trường hợp sau: cần giữ bí mật nhà nước, cần giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc (một số tội phạm về tình dục, tội phạm mà bị cáo là người chưa thành niên), cần bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Ví dụ, trong những vụ hiếp dâm, người bị hại phải kể tỉ mỉ các tình tiết của vụ án, người giám định cũng cần đưa ra kết luận về người bị hại…Nếu xét xử công khai sẽ ảnh hưởng đến danh dự, bí mật đời tư, hạnh phúc gia đình hoặc tương lai của người bị hại; do vậy, trong một số trường hợp quy định hoặc khi người bị hại yêu cầu thì tòa án phải xem xét, quyết định việc xử kín. Nếu tòa án xét xử kín thì người không có nhiệm vụ không được tham dự phiên tòa xét xử đối với toàn bộ hay một phần vụ án. Dù phiên toà được tiến hành xét xử kín, nhưng bản án và quyết định của phiên toà đó cũng phải được tuyên công khai.
Nội dung phiên toà, thời gian, địa điểm mở phiên toà phải được niêm yết công khai trước khi xét xử, kết quả xét xử tại phiên toà có thể được công bố trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng khác cho mọi người biết
Nguyên tắc xét xử công khai chỉ áp dụng đối với thủ tục xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, không áp dụng đối với thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.
Việc xét xử công khai hay xét xử kín là do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định trên cơ sở xem xét nội dung vụ án và yêu cầu của đương sự.
Xét xử công khai là một biểu hiện dân chủ của tố tụng hình sự Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao tác dụng giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và nâng cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật còn một số điểm mới bất cập, như:
Việc giải thích cụm từ “Đương sự” trong BLTTHS năm 2015 đã làm thay đổi đáng kể đối tượng được đề nghị Tòa án quyết định xét xử kín. Cụ thể tại điểm g, khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định: “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Chiếu theo quy định tại Điều 25 BLTTHS năm 2015 thì bên cạnh một số trường hợp như để giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì chỉ có 03 chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án xét xử kín để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của họ là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Như vậy đối tượng có quyền đề nghị xét xử kín tại Điều 25 BLTTHS năm 2015 chưa phù hợp với thực tiễn xét xử, chưa bảo vệ hết được quyền và lợi ích chính đáng theo yêu cầu của đương sự trong một số vụ án cụ thể, nhất là việc bảo vệ bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm của bị hại trong các vụ án xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người (vụ án hiếp dâm).
Để bảo đảm tuân thủ nguyên tắc xét xử công khai đồng thời bảo đảm lợi ích của đương sự, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự của đương sự trong vụ án, phù hợp với xu hướng phát triển chung của luật pháp luật tố tụng hình sự trên thế giới thiết nghĩ cần phải sửa đổi BLTTHS năm 2015 theo hướng thay cụm từ “đương sự” thành “người tham gia tố tụng”.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long về vấn đề “Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công khai, công bằng và điều kiện đảm bảo thực hiện”, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!