Hỏi: Thưa Luật sư, tôi đã tham khảo Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 nhưng tôi chưa rõ lắm về 2 hợp đồng không thời hạn và hợp đồng có thời hạn 1 năm? Quý công ty có thể cho tôi biết những ưu, nhược điểm giữa 2 hợp đồng có thời hạn 1 năm và loại hợp đồng không thời hạn không ? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của chúng tôi. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật lao động 2012
Luật sư tư vấn:
Điểm b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 22. Loại hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.”
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng (thường là đối với những công việc với thời hạn trên 36 tháng). Đối với loại hợp đồng này, người lao động có nhiều lợi thế hơn. Cụ thể, Hợp đồng lao động không xác định thời hạn bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ký kết, và có thể chấm dứt bất cứ lúc nào nếu có sự kiện làm chấm dứt việc thực hiện hợp đồng. Đối với loại hợp đồng này, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần chứng minh bất kỳ lý do nào, nhưng phải báo cho người sử dụng trước ít nhất 45 ngày (Theo khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012). Việc quy định như vậy giúp đề cao hơn lợi ích của người lao động, họ được “tự do” hơn trong việc lựa chọn một công việc khác phù hợp hơn, có thể được chấm dứt HĐLĐ mà không phải bồi thường cho người sử dụng lao động hay trách nhiệm vật chất nào khác và còn được hưởng trợ cấp thôi việc. Ngược lại, người sử dụng lao động không có quyền này, họ chỉ được chấm dứt HĐLĐ khi có 1 trong những căn cứ theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động)
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng lao động trong khoản thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Khi thực hiện HĐLĐ xác định thời hạn thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động bị hạn chế hơn so với HĐLĐ không xác định thời hạn. Theo đó, người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi có 1 trong những căn cứ được nêu tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 như không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc như trong thỏa thuận, không được trả lương đầy đủ, bị ngược đãi,…. Chỉ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ thỏa mãn các điều kiện như trên thì người lao động mới được nhận trợ cấp thôi việc và không phát sinh trách nhiệm vật chất khác. Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì người lao động không những không được trợ cấp thôi việc, mà còn phải bồi thường nửa tháng tiền lương cho người sử dụng lao động, phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động…
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp