Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
1. Khái niệm phong tỏa tài sản
Phong tỏa tài sản là cấm chuyển dịch, sử dụng, hủy hoại tài sản khi đã xác định được loại, số lượng, đặc điểm, giá trị tài sản.
Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án (tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cá nhân, cơ quan, tổ chức) áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
Phong toả tài sản được thực hiện cả trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và trong quá trình thi hành án dân sự. Tài sản bị phong tỏa bao gồm: tài sản của đương sự đang do đương sự giữ và tài sản của đương sự đang cho người khác thuê, mượn, gửi giữ hoặc sửa chữa. Tài sản bị phong tỏa có giá trị không được vượt quá nghĩa vụ tài sản mà người có tài sản bị phong tỏa phải thực hiện, trừ trường hợp họ không có tài sản khác để kê biên hoặc phong tỏa.
2. Phân loại phong tỏa tài sản
Tại Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có hai biện pháp phong tỏa tài sản là phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ và phong tỏa tài sản nơi gửi giữ.
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ:
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác yêu cầu Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
Theo quy định tại Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án áp dụng theo yêu cầu của đương sự nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Ví dụ: A khởi kiện B ra Tòa án để yêu cầu B trả số nợ 1 tỷ đồng mà B đã vay của A. Trong quá trình giải quyết vụ án, A biết được B đang làm các thủ tục để chuyển nhượng mảnh đất là tài sản duy nhất của B cho chú của B. Lúc này, A có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ đối với B (B là người có nghĩa vụ trả nợ cho A) để đảm bảo cho việc thi hành án.
Phong tỏa tài sản nơi gửi giữ:
Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì phong tỏa tài sản tại nơi gửi giữ là biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án áp dụng theo yêu cầu của đương sự nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Ví dụ: A khởi kiện B ra Tòa án để yêu cầu B bồi thường thiệt hại do B gây ra đối với A. Trong quá trình giải quyết vụ án, A biết được B có một kiện hàng đang được gửi tại kho nên yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản nơi gửi giữ đối với kiện hàng đó của của B. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
3. Trường hợp Tòa án được áp dụng phong toả tài sản
Theo quy định tại Điều 124, 125, 126 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án được áp dụng phong tỏa tài sản trong trường hợp:
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ
Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Theo quy định tại Điều 126 BLTTDS năm 2015 thì phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc cho việc thi hành án.
Ví dụ: A khởi kiện đến Tòa án yêu cầu B trả nợ số tiền 2 tỷ đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, A biết B đang tiến hành việc chuyển nhượng nhà đất là tài sản duy nhất của B cho người khác. Để ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà đất của B, A có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài sản là nhà đất của B để đảm bảo cho việc thi hành án.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp đương sự có yêu cầu Tòa án đều áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, ngay cả trong trường hợp việc yêu cầu là có căn cứ. Vì theo quy định tại khoản 4 Điều 133 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Mặc dù, quy định này chưa có Nghị quyết hướng dẫn nhưng nó cũng tương tự như quy định tại khoản 4 Điều 117 BLTTDS năm 2004 nên nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vẫn còn hiệu lực để hướng dẫn với quy định tại khoản 4 Điều 133 BLTTDS 2015. Theo đó, Nghị quyết 02 hướng dẫn:
– Trong trường hợp người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu phong tỏa tài sản có giá trị thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ thực hiện, thì Tòa án chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị từ mức yêu cầu trở xuống.
Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu B trả số tiền 2 tỷ đồng. Quá trình giải quyết vụ án, A chỉ yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của B có giá trị 1 tỷ đồng thì Tòa án chỉ được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản B có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống.
– Trong trường hợp người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu phong tỏa tài sản để bảo đảm nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, thì Tòa án chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản đó trở xuống.
Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu B trả số tiền 2 tỷ đồng. Quá trình giải quyết vụ án, A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của B thì Tòa án chỉ được phong tỏa tài sản B có giá trị từ 2 tỷ đồng trở xuống.
– Trong trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản đó) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, thì Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, thì Tòa án không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.
Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu B trả số tiền 2 tỷ đồng. Quá trình giải quyết vụ án, A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của B là chiếc xe có giá trị 3 tỷ đồng. Trong trường hợp này, chiếc xe của B có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà B phải thực hiện và là tài sản không thể phân chia, Tòa án không thể quyết định phong tỏa một phần chiếc xe. Do đó, Tòa án giải thích, hướng dẫn cho A làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu A vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, thì Tòa án không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của A.
Như vậy, đối với trường hợp thứ ba, mặc dù người có nghĩa vụ có dấu hiệu tẩu tán tài sản và việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ nhưng nếu tài sản không thể phân chia và có giá trị lớn hơn nghĩa vụ phải thực hiện thì Tòa án cũng không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
4. Trình tự yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp phong toả tài sản
Người có yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp phong toả tài sản khẩn cấp tạm thời viết đơn yêu cầu đề nghị việc phong tỏa nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. Đơn yêu cầu gồm các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu và người bị yêu cầu áp dụng việc phong tỏa tài sản;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Lý do cần phải áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản;
- Ghi rõ biện pháp cần được áp dụng là Phong tỏa tài sản;
- Các yêu cầu cụ thể khác.
Người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu chứng cứ (nếu có) để chứng minh sự cần thiết phải áp dụng biện pháp trên.
5. Trách nhiệm do áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản không đúng
Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản là cần thiết để ngăn chặn việc người có nghĩa vụ tẩu tán tài sản cũng như đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, người yêu cầu áp dụng biện pháp cũng cần lưu ý vì trong trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp Tòa án phải bồi thường do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba như:
– Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
– Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
Đọc thêm:
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (p2)
Thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.