Việt Nam đã và đang từng bước trên con đường Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa Đất Nước gắn liền với định hướng xây dựng một nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa bền vững và ổn định. Không ngừng mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới nhằm mục đích hòa bình, hữu nghị cùng phát triển trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong xu thế hội nhập đó, vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành mục tiêu ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới đặc biệt có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và bền vững của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức phức tạp đòi hỏi phải được giải quyết bằng cách phối hợp nhiều biện pháp khác nhau. Một trong những công cụ kinh tế hiệu quả được nhiều nước trên thế giới sử dụng đó là ban hành thuế môi trường nhằm mục đích bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái. Tình trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là một thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong bài viết này Luật Bạch Long sẽ gửi tới quý vị bài viết về vấn đề “So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới”, bài viết sẽ chia thành 03 phần để quý vị dễ theo dõi.
ĐỌC THÊM:
So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới (p2)
So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới (p3)
so sánh RCEP và ATIGA về thuế quan
I, Một số vấn đề chung về Luật Thuế BVMT ở Việt Nam.
1, Khái niệm, đặc điểm của thuế môi trường.
Khoản 1 Điều 3 Luật BVMT năm 2014 quy định: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”. Có thể thấy rằng, môi trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và sinh vật. Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái như sự gia tăng chất thải, nước thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt; gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ cả quá trình sản xuất công nghiệp và sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm; ô nhiễm ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí. Chính vì thế, việc đặt ra các biện pháp với mục đích BVMT là hoàn toàn cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Có nhiều biện pháp được sử dụng để BVMT, trong đó có việc sử dụng các công cụ kinh tế. Có thể hiểu rằng, sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường là việc dùng những lợi ích vật chất để kích thích các chủ thể thực hiện những hoạt động có lợi cho môi trường, cho cộng đồng.
Trong khoa học pháp lý có thể hiểu thuế môi trường là một loại thuế do nhà nước ban hành, đánh vào các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Khoản 1 Điều 2 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 đưa ra định nghĩa: “Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”. Như vậy, ở Việt Nam, thuế môi trường được thể hiện dưới tên gọi “thuế bảo vệ môi trường”. Thuế bảo vệ môi trường là một trong các loại thuế do nhà nước ban hành nên trước hết nó cũng mang đầy đủ các đặc điểm chung của thuế như: tính bắt buộc; tính gắn liền với yếu tố quyền lực nhà nước và nó không mang tính đối giá, tính hoàn trả trực tiếp. Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường còn có các đặc thù sau:
Thứ nhất, thuế môi trường là thuế gián thu. Điều này được hiểu đó là việc thuế môi trường đã được cộng thêm vào giá bán của sản phẩm, khi đó gánh nặng thuế sẽ chuyển từ nhà sản xuất kinh doanh – chủ thể nộp thuế sang người tiêu dùng.
Thứ hai, đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường có tính đặc thù. Đối tượng chịu thuế môi trường là những sản phẩm mà việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chúng gây tác hại lâu dài đến môi trường (khi chúng được sử dụng trong quá trình sản xuất, tiêu dùng hay hủy bỏ). Khái niệm sản phẩm ở đây được hiểu bao gồm hàng hóa và dịch vụ. Với định nghĩa thuế bảo vệ môi trường tại khoản 1 Điều 2 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010, ta có thể thấy rằng, đối tượng chịu thuế chỉ là hàng hóa, không bao hàm dịch vụ và chỉ khi sử dụng mà gây tác động xấu tới môi trường mới là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, tức là không bao hàm quá trình khi sản xuất ra các sản phẩm đó.
Thứ ba, thuế môi trường là một trong các công cụ kinh tế quan trọng để quản lí và bảo vệ môi trường của nhà nước. Mỗi quốc gia khi ban hành thuế môi trường là đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. Nghĩa vụ đóng thuế tạo động cơ thúc đẩy người gây ô nhiễm tìm phương pháp giảm thiểu ô nhiễm mới. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là mục tiêu của những nỗ lực làm thay đổi hành vi. Thuế môi trường là công cụ đem lại hiệu quả nhất về chi phí trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với việc ban hành các quyết định hành chính khác.
Thứ tư, thuế môi trường góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu ứng tiêu cực của hệ thống thuế nhu nhập hiện hành. Điều này có nghĩa là nếu các nhà sản xuất và người tiêu dùng không chấm dứt hoàn toàn các hoạt động gây ô nhiễm thì sẽ bị đánh thuế và phải có nghĩa vụ nộp thuế, khi đó sẽ trở thành một nguồn thu cho ngân sách. Bản chất của thuế môi trường là thuế gián thu cho nên nó sẽ không tạo phản ứng gay gắt từ người chịu thuế vì người nộp chỉ là người thay nhà nước thu từ những chủ thể chịu thuế, còn các chủ thể chịu thuế thường không biết mình là người phải gánh chịu thuế. Theo thống kê, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016 (tổng số thu thuế bảo vệ môi trường năm 2012 là 11.160 tỷ đồng, năm 2013 là 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 42.393 tỷ đồng ); chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% – 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3% – 0,9% trên GDP hàng năm.
Trên đây là những ý kiến của Luật Bạch Long về vấn đề “So sánh pháp luật về thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam và thế giới”, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!