Tăng lương là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong việc giữ chân người lao động. Lúc này, để đảm bảo tính pháp lý cũng như thuận tiện cho mình, doanh nghiệp nên ký phụ lục hay ký hợp đồng lao động mới?
Có thể lựa chọn ký phụ lục hoặc ký hợp đồng
Tiền lương là một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012. Nếu có bất cứ thay đổi nào liên quan đến tiền lương hay những nội dung khác của hợp đồng lao động thì doanh nghiệp thực hiện như sau: “Báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.”
Như vậy, trong trường hợp muốn tăng lương cho người lao động, tùy thuộc vào nhu cầu của mình và thỏa thuận với người lao động mà doanh nghiệp có thể lựa chọn ký phụ lục hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới.
Nên ký phụ lục hay ký hợp đồng?
Đối với việc ký phụ lục hợp đồng lao động
Điều 24 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động, dùng để quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.”
Trường hợp phụ lục dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Tức là, khi thay đổi nội dung điều khoản về tiền lương của người lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động thì doanh nghiệp cũng phải ghi rõ nội dung thay đổi (mức lương mới là bao nhiêu) và thời điểm áp dụng.
Đối với việc ký hợp đồng lao động mới
Khi ký một hợp đồng lao động, có khá nhiều vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý:
– Về hình thức hợp đồng: Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, doanh nghiệp giữ 01 bản; trừ công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng có thể giao kết bằng lời nói (Điều 16 Bộ luật Lao động 2012).
– Về nội dung hợp đồng: Ngoài điều khoản về tiền lương, mọi nội dung khác của hợp đồng lao động trước đây phải được giữ nguyên.
– Về người ký kết hợp đồng: Tuân thủ quy định tại Điều 3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP:
+ Phía doanh nghiệp: Là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản.
+ Phía người lao động: Là người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc lao động chưa thành niên từ đủ 15 – 18 tuổi và có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động hoặc người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi.
Có thể thấy, khi ký hợp đồng lao động mới, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt hơn, chịu nhiều ràng buộc hơn so với việc ký phụ lục hợp đồng.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình thực tế mà doanh nghiệp có thể lựa chọn, quyết định tăng lương nên ký phụ lục hay ký hợp đồng cho phù hợp.
Đọc thêm:
Mục tiêu năm 2030, mọi công chức cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng;
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Viên chức bị án treo có bị buộc thôi việc không?
Trên đây là chia sẻ của Luật Bạch Long . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.