Cùng với sự giao lưu và hội nhập với thế giới, hiện nay việc kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam không còn là vấn đề xa lạ và khó khăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết các quy định của pháp luật về thủ tục và điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam. Vậy khi muốn thực hiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì cần phải chuẩn bị các tài liệu gì? Thực hiện các thủ tục gì và phải thực hiện với cơ quan nhà nước nào? Công ty Luật TNHH Bạch Long sẽ đưa ra một số tư vấn đối với thắc mắc trên như sau:
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 123 năm 2015 của Chính phủ thì hồ sơ đăng ký kết hôn được lập theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch năm 2014 và bao gồm những thành phần như sau:
– Tờ khai đăng ký kết hôn;
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng;
Trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch năm 2014 chỉ có giá trị 06 tháng, kể từ ngày cấp.
– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú).
– Nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn;
– Nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
Theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 thì thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Trình tự đăng ký kết hôn được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 38 của Luật Hộ tịch 2014 và Điều 31 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
– Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không yêu cầu sổ hộ khẩu hay bản sao sổ hộ khẩu trong thành phần hồ sơ đăng ký kết hôn.
Đọc thêm:
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con của Tòa án;
Quy định của pháp luật về ly thân như thế nào?
Xét xử ly hôn khi vắng mặt chồng hoặc vợ.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long về một số quy định về vấn đề nêu trên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!