Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế mà bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia nói chung và chủ quyền tại nội thủy nói riêng luôn là vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết.
Khác với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa – vốn thuộc về biển cả và có chiều rộng khá rộng lớn, chủ quyền của quốc gia đối với vùng nội thủy mặc nhiên được thừa nhận nhằm đảm bảo an ninh và sự tiếp cận của quốc gia ven biển với các nguồn tài nguyên giáp với vùng đất.
I. Cơ sở pháp lý về việc xác lập chủ quyền tại nội thủy của Việt Nam
1. Khái niệm
Khoán 1 Điều 8 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 định nghĩa: “Nội thủy là vùng nước nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và giáp với bờ biển.”
Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/05/1977 về lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã khẳng định: “Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Điều 9 Luật Biển Việt Nam 2012 cũng quy định: “Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.”
Các quy định trên đều đã thể hiện rõ ranh giới trong của nội thủy là bờ biển, ranh giới ngoài là đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.
2. Chế độ pháp lý của nội thủy
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trong vùng nội thủy, quốc gia thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối như trên lãnh thổ đất liền. Chủ quyền này bao gồm lên cả vùng trời bên trên, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển vùng nước nội thủy.
Cũng theo quy định tại Điều 10 Luật biển Việt Nam 2012 về chế độ pháp lý của nội thủy thì: “Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối, và đầy đủ đối với nội thủy như trên đất liền”
Tuy nhiên với tính chất là một vùng biển nên việc thực hiện chủ quyền trong nội thủy có điểm khác so với việc thực hiện chủ quyền trên đất liền.
– Thứ nhất, tàu thuyền nước ngoài muốn vào nội thủy của quốc gia ven biển phải xin phép và phải được sự đồng ý của quốc gia này.
– Thứ hai, quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với tàu thuyền nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong vùng nội thủy của mình.
Qua trên có thể thấy, Công ước Luật biển 1982 đã xây dựng một khung pháp lý tương đối công bằng trong các hoạt động trên biển, trong đó có sự phận định rõ ràng giữa các vùng nội thủy và lãnh hải, cũng như tạo cơ hội cho các nước xây dựng luật biển riêng của nước mình phù hợp với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trong đó nước ta đã xây dựng được Luật Biển Việt Nam năm 2012 và dựa vào Luật biển này có thể giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về biển, đặc biệt trong mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông.
II. Thực tiễn xác lập chủ quyền tại nội thủy của Việt Nam
1. Việt Nam gia nhập ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương để xác định và bảo vệ chủ quyền vùng nội thủy
– Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Luật biển năm 1982 vào ngày 25/07/1994;
– Ngày 07/07/1982, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa hai nước, Hiệp định đã xác định giới hạn cụ thể của vùng nước lịch sử thuộc chế độ nội thủy chung của hai nước
2. Việt Nam xây dựng pháp luật trong nước liên quan đến chủ quyền tại nội thủy
– Tuyên bố ngày 12/05/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hài, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam;
– Ban hành Nghị định 30/NĐ-CP/1980 với quy chế cụ thể cho các tàu thuyền nước ngoài khi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam, trong đó vùng nội thủy được chú trọng. Ví dụ tại Điều 8 Nghị định này quy định: “Tàu thuyền nước ngoài khi ở trong nội thuỷ Việt Nam, ngoài sắc cờ của nước mà tàu mang quốc tịch, phải treo quốc kỳ Việt Nam ở đỉnh cột tàu cao nhất phía trước”
– Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam;
– Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quôc về Luật Biển năm 1982;
– Việt Nam đã xây dựng Luật Biển Việt Nam bao gồm 07 chương với 55 điều;
3. Việt Nam lựa chọn đường cơ sở thẳng – ý nghĩa quan trọng đối với chủ quyền tại nội thủy
Việt Nam tuyên bố vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải vào ngày 12 tháng 11 năm 1982, sau này được khẳng định lại tại Điều 8 Luật Biển Việt Nam 2012. Đường cơ sở thẳng gián tiếp giúp vùng nội thủy của nước ta mở rộng hơn, kéo theo đó là có thể xác lập chủ quyền đối với vùng nước rộng hơn, làm tăng thêm sự ảnh hưởng của quốc gia ven biển như Việt Nam.
III. Thực tiễn thực hiện và bảo vệ chủ quyền tại nội thủy của Việt Nam
Việt Nam có đường bờ biển dài với đặc điểm địa lý không đồng nhất ở mỗi vùng, điều đó làm cho việc giám sát, bảo vệ chủ quyền tại vùng nước nội thủy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tuy vậy, các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn đối với nội thủy.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn tổ chức các cuộc thi, nghiên cứu khoa học về chủ quyền biển đảo, đồng thời tuyên truyền phổ biến pháp luật về biển đảo đến quần chúng.
Việt Nam đã xây dựng Luật biển là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến chủ quyền nội thủy của nước ta. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật vẫn chưa hiệu quả, triển khai còn chậm: tuyên truyền pháp luật về biển đảo, phát triển gắn liền với phát triển kinh tế,…
Đọc thêm: Bảo vệ quyền con người trong luật hình sự quốc tế
* Mối quan hệ giữa chủ quyền tại nội thuỷ với các bộ phận lãnh thổ khác
Nội thủy được coi như bức tường bảo vệ đất liền trên biển, là cầu nối dài của chủ quyền quốc gia trên đất liền về hướng biển. Việc thực hiện tốt chủ quyền tại nội thủy là đảm bảo an ninh quốc phòng, hạn chế các mối nguy hiểm từ biển vào đất liền.
Chủ quyền tại nội thủy là một trong những vấn đề trọng yếu đối với quốc gia ven biển như Việt Nam. Bên cạnh những biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền tại nội thủy thì cần đẩy mạnh hơn công tác thông tin đối ngoại, chủ động tuyên truyền, cung cấp, định hướng thông tin về biển đối với cộng đồng trong và ngoài nước.
Trên đây là tư vấn của Luật Bạch Long liên quan đến vấn đề chủ quyền tại nội thủy. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: Số 92 Phố Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.