Mục đích của tố tụng dân sự là bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước. Tố tụng dân sự bao gồm: khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự, thụ lí vụ việc dân sự, giải quyết vụ việc dân sự theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành án dân sự. Để quá trình này diễn ra một cách công bằng và minh bạch thì không thể không thể kể tới vai trò của một số cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Hoạt động của họ mang tính chất chủ động và độc lập. Những người này được gọi là người tiến hành tố tụng dân sự. Trong bài viết này Luật Bạch Long xin gửi tới quý vị bài viết về vấn đề “Người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự”, bài viết sẽ chia làm 03 phần để dễ theo dõi hơn.
ĐỌC THÊM:
Người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự (p2)
Người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự (p3)
Hạn chế trong quy định về người tiến hành Tố tụng Dân sự
I. Nhiệm vụ và quyền hạn của những người tiến hành tố tụng dân sự.
1.Chánh án toà án nhân dân.
Nhiệm vụ, quyền hạn chung của Chánh án tòa án được quy định tại Điều 27, Điều 35, Điều 42 và Điều 47 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án trong tố tụng dân sự do pháp luật TTDS quy định. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án tòa án nhân dân được quy định tại Điều 47 BLTTDS năm 2015 đã được bổ sung một số điểm đáng chú ý so với BLTTDS 2004 đó là “bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” hay bổ sung thêm Điểm h về kiến nghị khi có có một điều luật trái với hiến pháp và các văn bản quy phạm khác. Điểm i về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật. Có thể thấy qua các quy định này Chánh án chủ yếu thực hiện các nhiêm vụ quyền hạn mang tính chất quản lý, điều hành hoạt động của Toà án như tổ chức công tác giải quyết vụ viện dân sự, quyết định phân công thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên, thư ký toà và việc thay đổi thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên trước khi diễn ra phiên toà,.. Một điểm cũng khá đáng chú là ở BLTTDS 2015 Chánh án sẽ không được quyền uỷ nhiệm cho Phó Chánh án kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án. Quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhằm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan xét xử là Toà án nhân dân.
2. Thẩm phán.
Thẩm phán là NTHTT dân sự, được Chánh án phân công giải quyết VVDS, là một chức danh tư pháp chuyên nghiệp và được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ. Khi giải quyết VVDS, thẩm phán có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định tại Điều 48 BLTTDS 2015. So với BLTTDS 2004, được sửa đổi, bổ sung 2011, nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán trong BLTTDS 2015 được bổ sung nhiều nội dung mới như Khoản 1,2,5,6,7,11,12…, khắc phục được đáng kể những vướng mắc, bất cập của BLTTDS trước đây như quy định thêm thẩm phán là người xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của BLTTDS, trên cơ sở đơn khởi kiện, Thẩm phán sẽ tiền hành thủ tục thụ lý vụ án nếu có đủ căn cứ để thụ lý. Việc quy định như vậy vừa đảm bảo việc Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án nghiên cứu, nắm bắt nội dung vụ án ngay từ đầu vừa đảm bảo những thuận tiện nhất định về mặt thủ tục.
Tiếp tới là hoạt động tiến hành lập hồ sơ VVDS. Lập hồ sơ VVDS chủ yếu là các hoạt động liên quan đến thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ. Trong nhiều trường hợp, đương sự không thể tự thu thập các tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu không cung cấp tài liệu, chứng cư do các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu không cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự thì Thẩm phán sẽ tiến hành thu thập chứng cư nếu đương sự có yêu cầu.
Ba là, tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cư và hòa giải. Điều 24 BLTTDS 2015 đã quy dịnh về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Quá trình tranh tụng diễn ra từ khi khởi kiện, yêu cầu, chuẩn bị xét xử, thu thập, trao đổi tài liệu, chứng cứ, các bên nêu quan điểm về việc giải quyết vụ việc. Do đó, các đương sự được quyền biết trước về yêu cầu của nhau, được quyền biết trước các tài liệu, chứng cứ trong vụ việc.
Bốn là, ban hành các quyết định tố tụng. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 112 BLTTDS 2015); Quyết định đình chỉ (Điều 214) hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 217); Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự (Điều 216); Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử (Điều 220); Quyết định chuyển VVDS (Điều 41); Quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ (Điều 106); Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Điều 212)…
Năm là, phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước cơ thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của BLTTDS 2015. Thẩm phán là người trực tiếp giải quyết VVDS, độc lập khi xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Do vậy, các quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xét xử của Thẩm phán. Việc phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật,… còn thể hiện trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của mỗi Thẩm phán. Qua đó, nhằm khẳng định vai trò trong việc kiểm soát hoạt động lập pháp của cơ quan tư pháp, bảo đảm sự phân công, kiểm soát lẫn nhau trong bộ máy nhà nước.
Về nhiệm kỳ của các thẩm phán thì mới chỉ dừng lại ở việc thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong khi ở tại các nước trên thế giới thì Thẩm phán được bổ nhiệm một lần duy nhất cho tới khi nghỉ hưu, và khi về hưu họ vẫn có thể được mời tham gia xét xử như ở Nga hoặc làm Thẩm phán bán thời gian. Để đào tạo ra được một Thẩm phán là cả một quá trình rất dài, cũng là người trực tiếp xử lí những VVDS, như vậy liệu việc quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán có đang là không cần thiết khi việc này có thể ảnh hưởng tới sự độc lập xét xử của họ, chưa kể tới những tiêu cực dẫn tới tình trạng lạm quyền tại Toà án.
Thẩm phán là người lấy lời khai của các đương sự trong vụ án dân sự hay VVDS. Nhưng hiện tại, thực tế đang cho thấy các VVDS ngày một tăng và đang dẫn tới tình trạng quá tải khiến các Thẩm phán không thể đáp ứng về mặt tốc độ giải quyết gây trì trệ, ứ đọng án. Cần có một hướng giúp giảm tải để các Thẩm phán có thể giải quyết nhanh và chính xác.
3. Hội thẩm nhân dân.
Hội thẩm nhân dân là người tiến hành tố tụng được bầu để tiến hành xét xử những vụ án thuốc thẩm quyền của Tòa án, HTND có những nhiệm vụ, quyền hạn chính sau đây:
Một là, nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa. Việc này tạo điều kiện cho HTND nắm được toàn bộ nội dung và các yêu cầu của đương sự trong vụ án. Từ đó, khi tham gia xét xử, HTND sẽ có những nhận định chính xác về nội dung của vụ án, đảm bảo tính khách quan trọng giải quyết VVDS.
Hai là, đề nghị Chánh án Tòa án, Thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền.
Ba là, tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự. Khi xét xử sơ thẩm, ngoài các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án, vai trò của HTND trong HĐXX còn phải làm rõ các vấn đề về mặt chuyên môn, cũng như các vấn đề xã hội khác liên quan đến nội dung vụ án. Bằng những kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống và lĩnh vực công tác, HTND đã góp phần giúp vụ án dân sự được giải quyết thuận lợi, nhanh chóng.
Bốn là, tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐXX. Theo Điều 249 BLTTDS 2015, thì HTND có quyền hỏi sau phần hỏi của các đương sự và chủ tọa phiên tòa. Khi nghị án tại phòng nghị án , Khoản 2 Điều 264 BLTTDS 2015 “HTND biểu quyết trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa biểu quyết sau cùng”, quy định này thể hiện tính độc lập, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đồng thời thể hiện HTND không bị tác động bởi quan điểm cũng như quyết định của Thẩm phán.
Trên đây là những ý kiến của Luật Bạch Long, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp:
Công ty Luật TNHH Bạch Long
Địa chỉ: số 92 Dương Quảng Hàm, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0975.866.929
Email: luatbachlong@gmail.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0975.866.929 để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác!